Vào tháng 11, mùa nước nổi Nam bộ dần kết thúc, sau 3 tháng ngắn ngủi đưa phù sa tưới đẫm đồng bằng, mang sức sống và nguồn sinh sôi cho vùng đất châu thổ Cửu Long. Nếu như miền Bắc có 2 mùa lúa chín với niềm hân hoan lễ đón cơm mới, mừng được mùa, mừng sung túc, thì miền Nam chỉ có một mùa nước nổi để gợi lên sự no ấm. Điều đó quy chuẩn luôn nhiều nét văn hóa riêng có của vùng đất này.
Cô gái trẻ miền Tây Nam Bộ và đời sống trên sông nước. Ảnh: TTH
Hằng năm, người dân Nam bộ đều chờ đón mùa nước nổi để bắt đầu cuộc sống sông nước. Từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng 10 âm lịch, con nước mới ròng, chớm đến mùa khô. Nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hạ lưu mang theo thủy sản từ các nhánh sông và “bụng nước” Biển Hồ, Campuchia. Và mùa thả lưới, giăng câu ở đây cũng bắt đầu. Sau đó, với mùa mưa liên tục kéo dài, chỉ độ hơn tháng sau, các loại rau mọc ngoi trên nước bắt đầu phát triển, bông súng, bông sen, lục bình, bồn bồn, điên điển... vào mùa nở rộ, đây cũng là tinh hoa ẩm thực, du lịch, lễ hội của miền Tây.
Giữa bốn bề mênh mông nước, lúa đồng không thả được, chỉ chờ giăng câu, người miền Tây vốn đa tình, đa cảm, lúc đó mới nhâm nhi vài xị rượu, chơi đàn kìm, đổ 6 câu Vọng cổ. Tiếng hát, tiếng đàn lan đi trên những thuyền câu, chòi giăng câu giữa lúc trắng đồng nước nổi. Vậy mới nói, nếu muốn tìm hiểu văn hóa miền Tây Nam Bộ, phải đến đây vào mùa nước nổi.
Chúng tôi được một kíp làm phim tài liệu về văn hóa miền Tây Nam bộ dẫn đường thâm nhập thực tế tìm hiểu đời sống của người dân các gò nổi trên các vùng đất ngập nước phía gần biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Một trong những sáng kiến “sống chung với lũ” và nương theo mùa nước nổi là người dân đồng bằng được định cư theo cách gom lại trên các gò đất cao. Các xóm ấp quần tụ với nhau để khi nước về, các ngôi nhà chân cao này được đảm bảo cao hơn mặt nước lũ đỉnh. Một lão nông tri điền Tam Nông, Đồng Tháp nói với tôi: Trước đây, đời ông, đời cha hồi nào không có những ngôi nhà chân cao như vầy. Nước lũ tới chỉ có di chuyển lên thuyền, rồi chờ nước rút vá víu lại mấy căn nhà tạm sống vậy. Cuộc sống không được an toàn như bây giờ. Mùa lũ cùng với những tác động của nó đã làm thay đổi cả nếp sống, cách nghĩ của người miền Tây.
Mùa lũ là thời điểm tuyệt vời để du khách thưởng ngoạn đời sống trên các vùng đất ngập nước. Lễ hội tổ chức ở các điểm du lịch cảnh quan đặc sắc, giàu chất văn hóa như búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư, lễ hội đua bò của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng núi Thất Sơn... Điểm chung là các lễ hội chờ con nước lên, phương tiện di chuyển bằng ghe thuyền, tạo nên sự xôm tụ, náo hoạt khác hẳn với mùa khô tẻ nhạt, thiếu sức sống. Những cánh đồng rộng mênh mông nước ở khu vực biên giới Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc, An Phú, thị xã Tân Châu là nơi lũ đổ về đầu tiên, là những địa điểm du lịch lý tưởng để du khách rong chơi trong mùa nước nổi, thưởng thức cá đồng, ngắm cảnh sông nước.
Người ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hòa mình vào không gian mới mẻ, đầy sức cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên đến những nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng cư dân vốn hiền hòa, mến khách, để cùng trải nghiệm cuộc sống dân dã, ăn cá đồng và đắm mình trong làn nước mênh mông, trĩu nặng phù sa. Vào mùa nước nổi, rừng càng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng.
Thêm nữa, đồng bằng sông Cửu Long còn sở hữu các khu vực bảo tồn giá trị thiên nhiên đặc trưng của vùng đất ngập nước. Những loài chim di trú đến mùa nước lũ mới tìm về. Nước lũ về mới có cá, tôm, nguồn lợi thủy sản, thức ăn tự nhiên. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Nước lũ về mang theo hàng trăm loài cá như cá linh, cá bông lau, cá hú... cho đến các loài hoa như bông súng, bông sen...
Một trong những đặc sắc của mùa lũ Nam Bộ là ẩm thực. Món ăn của mùa nước nổi cấu thành từ 3 yếu tố không thể thiếu là thủy sản mùa lũ, mắm cá được chế biến cầu kỳ và rau xanh mọc hoang cùng với con nước. Bất kỳ là ở một nhà hàng sang trọng, hay một quán lẻ bình dân nào, du khách cũng có thể thưởng thức ở đây những món ngon đặc sản như nhau. Hương vị đậm đà của cá đồng hòa quyện với nhiều loại rau xanh mùa nước nổi.
Chúng tôi đã từng ngạc nhiên trước một bàn tiệc mùa nước nổi, mà tất cả các món ăn sang trọng đều làm từ cá và sen kết hợp với nhau. Củ sen, ngó sen, hạt sen tươi nấu với các món cá nướng trui, hấp, mắm cá ăn với lá sen non... có thể ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào. Tâm hồn và khí chất của người Nam Bộ gửi cả vào các món ăn đậm đà, mùi vị riêng có, bài trí đẹp mắt, hài hòa. Trong bàn ăn mùa lũ đã gợi lên những huyền sử của thời đi mở đất khai hoang, con người sau hàng thập kỷ mới trị thủy, làm chủ được đất đai, làm giàu trên những khó khăn của thiên tai khắc nghiệt.
Mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, được thưởng thức một lần thôi, sẽ cảm được cả tầng tầng lớp lớp những nét văn hóa dân gian của miền Tây Nam Bộ.
Thụy Văn (Biên Phòng)