(GLO)- “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Với công tích đó, Trần Văn Thiều được suy tôn là vị tiền hiền, Nguyễn Văn Tứ là một trong những hậu hiền đất An Khê. Tuy nhiên, không chỉ Nguyễn Văn Tứ, noi gương tiền nhân, các đời hậu duệ của ông cũng có những đóng góp nhất định cho vùng đất lịch sử. Điều này đã thể hiện qua các sắc phong của nhà Nguyễn còn được lưu giữ tại gia đình.
Nguyễn Văn Tứ là con ông Nguyễn Văn Thành, tổ tiên người Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên), sau dời vào đất Gia Định. Trong các “khai quốc công thần” của Vua Gia Long, Nguyễn Văn Thành là nhân vật nổi bật. Tài kiêm văn võ, ông cùng Lê Văn Duyệt có công đầu trong việc phò Nguyễn Ánh lên ngôi, được phong Tiền quân Đô thống, tước Quận công, thế nhưng cuối cùng lại phải chịu một kết cục bi thảm. Cái chết của ông do mâu thuẫn với Lê Văn Duyệt thực ra chỉ là sự xúc tác. Sự nghi kỵ của Gia Long mới là nguyên nhân thực sự. Sau thảm án, bà vợ thứ 17 của ông đã dẫn 3 người con lên đất An Khê nương náu.
Về chuyện này, tác giả đã có bài viết “Thảm án khai quốc công thần của Vua Gia Long và hậu duệ đất An Khê” đăng trên báo Gia Lai số Tết Kỷ Hợi năm 2019. Bấy giờ, ông Nguyễn Việt Quang-hậu duệ đời thứ 12 của Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành-cho biết: Ông đang giữ 13 sắc chỉ của triều Nguyễn. Tuy là tộc trưởng nhưng cũng chẳng biết nội dung các sắc chỉ ấy là gì. Trong vùng không ai đủ vốn chữ Hán để đọc; mang ra Viện Hán-Nôm thuê dịch thì chưa có điều kiện. Thêm nữa tiền nhân lại không ghi gia phả nên bây giờ ông cũng không biết các vị có công tích cụ thể gì. Gần đây, trong một chuyến công tác về An Khê gặp lại Nguyễn Việt Quang, tôi được biết: Toàn bộ các sắc chỉ này đã được một vị giáo sư ở TP. Hồ Chí Minh dịch hộ. Việc làm đáng quý này đã giúp ta biết cụ thể về vị hậu hiền An Khê và công tích của các đời sau.
Theo ông Nguyễn Việt Quang thì Nguyễn Văn Tứ là con út trong số 3 người con theo mẹ lên An Khê ẩn náu. Sau thảm án, Gia Long đã xuống chiếu lục dụng một số con cái của Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành cho ra làm quan. Theo đó, 2 người anh xuống Bình Định nhậm chức, còn ông Tứ thì ở lại với mẹ. Tuy nhiên, một thời gian sau không rõ năm nào, Nguyễn Văn Tứ cũng được phong chức Chưởng cơ. (Chưởng cơ là chức tương đương Lãnh binh, cai quản 500-600 lính địa phương, hàm chánh tứ phẩm võ ban trong ngạch quan lại 9 bậc của nhà Nguyễn). Chiếu ghi rõ: “Sắc phong cho Nguyễn Văn Tứ quê ở ấp Tây Sơn Nhất, thôn Tây Sơn chức Chưởng cơ, tước Tứ ân hầu” . Một thời gian sau có lẽ do bị bệnh, Nguyễn Văn Tứ xin về an dưỡng. Gia Long năm thứ 14 (1817) qua sự tiến cử của viên trấn quan Bình Định, Nguyễn Văn Tứ được cử ra trấn giữ nguồn Cầu Bông. Chiếu viết: “Nay qua biểu tiến cử của trấn quan trấn Bình Định, đặc chuẩn cho trông giữ nguồn Cầu Bông, theo lệ quản lý quan lại dưới quyền và dân phụ lũy tuần tra thám sát… phòng ác man. Phàm công việc trong nguồn phải nghe theo trấn quan trong nguồn sao cho hợp lý, chăm chỉ làm việc theo đúng chức vụ. Nếu làm việc không cố gắng sẽ bị phạt theo luật. Hãy kính cẩn”.
Một trong những sắc chỉ của nhà Nguyễn được gia đình ông Nguyễn Việt Quang lưu giữ. Ảnh: Ngọc Tấn |
Không rõ Nguyễn Văn Tứ có mấy người con nhưng 2 con trai là Nguyễn Văn Chẩn và Nguyễn Văn Lưu đều được ra làm quan dưới quyền cha. Năm 1820, theo đề cử của viên Thị trung Hữu thống chế Bình Định, Nguyễn Văn Chẩn, Nguyễn Văn Lưu cùng được lĩnh chức cai đội, hàm Chánh lục phẩm. Chức trách cụ thể của họ, chiếu ghi rõ: “Quản lý quân tại ấp An Tây nhất (tức An Khê) và dân phụ lũy ở nguồn đó, theo Tứ ân hầu (tức Nguyễn Văn Tứ) tuần phòng để yên ổn vùng đó… Không chăm chỉ, chịu khó thì có quốc pháp đấy!”… Trong 2 người, quan lộ của Nguyễn Văn Lưu có vẻ không được hanh thông. Năm Minh Mạng thứ 9, vì mắc bệnh, ông được cho nghỉ an dưỡng lưu chức. Minh Mạng thứ 18 (1839) hết bệnh, ông lại ra làm việc, được thăng Thủ úy thành Bình Định (hàm tòng tứ phẩm võ ban). Tuy nhiên, cũng năm đó vì để xảy ra việc trộm cắp thóc kho, Nguyễn Văn Lưu bị phạt bổng lộc 1 năm, việc thăng cấp bị hủy. Chiếu viết: “Thủ úy Nguyễn Văn Lưu của tỉnh thành Bình Định không đốc suất tuần phòng, để cho kẻ trộm Văn Bách ẩn trong tỉnh thành ăn trộm thóc kho, tội phạt bổng 1 năm. Xét viên này vào tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 19 đã được tặng 1 cấp, nay gặp án này phạt bổng 1 năm, việc thăng cấp đó hủy đi”.
Sau Nguyễn Văn Chẩn và Nguyễn Văn Lưu không còn thấy ai được cất nhắc hay tiến cử vào chức vụ gì. Điều này thể hiện qua đơn kêu của Nguyễn Văn Tri xin được miễn thuế hạng tráng (hạng nhất) bởi theo lệ triều Nguyễn thì con quan lại văn, võ từ hàm lục phẩm trở lên được miễn đi lính, miễn sai dịch… Cho đến Tự Đức năm thứ 13 (1860), một hậu duệ của Nguyễn Văn Tứ là Nguyễn Đức Thanh mới được phong Chánh cửu phẩm bá hộ. Tuy nhiên, đây chỉ là chức vụ mang tính chất tượng trưng. Để khuyến khích người làm việc nghĩa, nhà Nguyễn đặt ra lệ nếu ai quyên được tiền, thóc từ 1.200 quan trở lên sẽ được phong chức tước, vĩnh viễn miễn thuế thân, việc binh, sai dịch… Chiếu viết: “Nguyễn Đức Thanh ở thôn An Khê, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (An Khê lúc này thuộc tỉnh Bình Định) lạc quyên tiền đã được qua bộ Hộ bàn luận khen thưởng, nay chuẩn cho ngươi nhận hàm Cửu phẩm bá hộ để khuyến khích những người yêu việc nghĩa. Hãy kính cẩn”.
Bảo Đại năm thứ 17 (1942 ), một hậu duệ khác của Nguyễn Văn Tứ, ông Nguyễn Tồ vì có công mở kho lúa gia đình cứu đói cho dân, cũng được phong hàm “Cửu phẩm Văn giai”. Sắc phong ghi rõ: “Sắc cho Chánh tổng Nguyễn Tồ ở thôn An Khê, huyện Tân An, đạo Kon Tum. Nay quan bộ Lại tấu xin, chuẩn cho ngươi được thưởng chức Tòng Cửu phẩm văn giai. Hãy kính cẩn”.
NGỌC TẤN