(GLO)- Ngày 11-11, đoàn giám sát do ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ tại huyện Kông Chro.
Thời gian qua, huyện Kông Chro đã triển khai cơ bản có hiệu quả các chính sách theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Việc triển khai chính sách đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số, qua đó thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn |
Hiện trên địa bàn huyện Kông Chro có 6 đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao quản lý và bảo vệ hơn 55 ngàn ha đất lâm nghiệp; UBND các xã, thị trấn quản lý trên 43,7 ngàn ha đất lâm nghiệp. Hàng năm, các đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, tổ chức sản xuất, kinh doanh rừng trồng trên lâm phần quản lý.
Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức khoán bảo vệ gần 6 ngàn ha rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn, làng; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa tổ chức giao khoán bảo vệ 1 ngàn ha rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn, làng. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có 20 nhóm hộ, công đồng dân cư được nhận hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với tổng kinh phí chi trả hơn 5,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện huyện chưa thể triển khai việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy và chính sách tín dụng cho việc phát triển rừng sản xuất theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP do người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, huyện chủ yếu triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ vì chưa có kinh phí triển khai thực hiện theo Nghị định số 75.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Hồ Văn Điềm đề nghị UBND huyện nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, triển khai đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để người dân yên tâm trồng rừng cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, huyện cần có chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng nhằm đảm bảo đầu ra cho người dân trồng rừng. Đối với các kiến nghị của huyện, đoàn sẽ tổng hợp gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 10-11, đoàn đã có buổi giám sát tại huyện Kbang. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng diện tích khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện theo Nghị định số 75 là hơn 14,3 ngàn ha với tổng kinh phí chi trả hơn 5,7 tỷ đồng. Thông qua chính sách khoán bảo vệ rừng, hàng năm đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho 1.150 hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
QUANG TẤN