Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hiến kế phòng chống tham nhũng: Dựa vào sức mạnh nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cả Giáo sư Trần Đình Bút và tiến sĩ Đinh Phương Duy đều cho rằng, khi chủ trương công khai, minh bạch được thực hiện nghiêm chỉnh, cùng sự giám sát của nhân dân thì tham nhũng chắc chắn không còn đường sống.
 

Diệt giặc tham nhũng

Cần coi đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến thực sự, nguy hiểm hơn cả chiến tranh chống ngoại xâm. Vì kẻ thù không xuất đầu lộ diện trước mắt ta, mà có thể thường ngày vẫn là những quan chức mà ta cần giao tiếp, thậm chí họ đôi khi còn đóng vai trò mô phạm để khuyên dụ ta. Họ đang ngầm phá đất nước từ trong ruột phá ra, trong mọi lĩnh vực hoạt động của bộ máy công quyền…, mà hậu quả nguy hại nhất là hủy hoại lòng tin của người dân. Có thể họ là người hiểu hơn ai hết một chân lý đã được khẳng định “mất lòng tin là mất tất cả”, song lòng tham vô đáy đã chi phối mọi hành động của họ. Các giải pháp mà ta bàn để đẩy lùi tham nhũng, trong sạch hóa bộ máy sẽ trở thành vô hiệu, nếu không trên nhận thức về tính chất quyết liệt của cuộc chiến này. Phải diệt tham nhũng như diệt giặc, chứ không chỉ dừng ở phòng chống.
Quy luật diễn biến của tham nhũng là sau khi nắm quyền lực thì từng bước lộng quyền, lạm quyền... Kinh nghiệm ngăn ngừa xu thế trên, là bên cạnh cơ quan quyền lực, luôn phải tồn tại cơ quan kiểm tra, và một tòa án đủ thẩm quyền bảo đảm tính vô tư, nghiêm minh của luật pháp. Do đó, một cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên và hữu hiệu là đòi hỏi luôn cấp thiết.
Trong đầu tư công, việc công khai, minh bạch cần từ khâu quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình lớn tầm cỡ quốc gia, tiếp đến là thu chi ngân sách mỗi cấp, từ T.Ư đến cấp xã. Đối với các công trình lớn quốc gia, từ khâu xây dựng dự toán, đấu thầu, kiểm tra xây dựng... đều phải công khai, minh bạch, sẽ có triệu triệu con mắt giám sát, sẽ tránh được gian dối, làm bừa, làm giả. Đối với ngân sách, ở cấp nhà nước, ngành và địa phương cần công khai hóa đủ chi tiết để dân biết từng nguồn thu, khoản chi lớn, quy định rõ trách nhiệm giải trình, mức độ xử lý nếu có nghi ngờ tham nhũng. Các cơ quan báo chí cần được đảm bảo quyền tham gia quá trình công khai, minh bạch hóa này, bởi kinh nghiệm đã chứng tỏ phát hiện tham nhũng chủ yếu nhờ sự đóng góp của thông tin, báo đài.
Cuộc chiến chống tham nhũng đã được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng thời gian trước mắt. Chắc chắn còn nhiều trở ngại, vì kẻ tham nhũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm lôi kéo, phân hóa, mua chuộc những ai không đủ cảnh giác và quyết tâm trong cuộc chiến vô cùng phức tạp và đầy khó khăn này. Nhưng nhân dân luôn đủ trình độ để cảnh giác, không gì mua chuộc hoặc lung lạc được, nếu như chủ trương công khai, minh bạch được thực hiện nghiêm chỉnh, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi trắng đen sẽ rõ ràng. Với con mắt của hàng triệu người dân giám sát, thì mọi thủ đoạn mua chuộc, thay trắng đổi đen sẽ bị vạch mặt chỉ tên. Kẻ tham nhũng sẽ lộ mặt nguyên hình, không có nơi nào để chạy trốn.
Giáo sư Trần Đình Bút
Cần có “độc dược”
Tham nhũng được xem là một trong những vấn nạn lớn nhất trên con đường phát triển, là “độc tố” với nhiều nguy hại rình rập đe dọa sự tồn vong của chế độ và làm giảm sút niềm tin của người dân, của xã hội, nhưng rõ ràng vấn nạn này chỉ là căn bệnh khó chữa chứ không phải ác tính. Do vậy, tham nhũng hoàn toàn có thể loại trừ được khi chúng ta có được “độc dược”.
“Độc dược” ở đây là gì? Đó là vấn đề nhận thức trúng, đúng và đủ về thực trạng tham nhũng. Mối lo lớn nhất xuất phát từ nội tại bộ máy, đó là những hệ lụy phát sinh từ tham nhũng chính sách. Một số người có quyền, có tiền, nhưng không có khát vọng cống hiến, không trong sáng trong điều hành, quản lý…, lại tham vọng thâu tóm thêm quyền lực, thâu tóm thêm tiền bạc dẫn đến tệ chạy chức, chạy quyền, phe cánh, lợi ích nhóm bao che, dung túng cho tham nhũng “có đất sống”.
Một khi pháp luật chưa hoàn thiện, tham nhũng càng khoét sâu vào bộ máy. Đối tượng tham nhũng luôn có mưu đồ, toan tính, do vậy chúng ta cần nhận diện để chủ động phòng chống, loại trừ. Bây giờ chúng ta cần chọn lựa cho bằng được những cán bộ thực tâm, thực tài, vì dân phục vụ, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đặc biệt là đối với cán bộ cấp chiến lược. Phải làm sao để xây dựng được cơ chế, áp dụng thành công nguyên tắc là “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng”.
Có thể nói đối tượng tham nhũng sợ nhất là tính công khai, minh bạch và sự trừng phạt nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật. Tham nhũng mà xử án treo, chỉ kiểm điểm rồi cho qua là không được. Điều đáng mừng là thời gian vừa qua, tội phạm tham nhũng khi phát hiện đã bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Đối với cán bộ, công chức cấp cơ sở, chúng ta cũng không thể xem nhẹ nguy cơ phát sinh tham nhũng. Khi mà lương thấp, những người có lòng tham sẽ phát sinh “hội chứng cướp đoạt”, tìm đủ mọi cách “moi tiền” ngân sách và của dân khi người dân đi làm thủ tục hành chính…
Vấn đề tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo tham nhũng cũng rất cần lưu tâm. Chúng ta cần phải có cơ chế cụ thể và xem xét thấu đáo việc phản ánh, tố cáo “nặc danh” về tham nhũng để có thể phát huy sức mạnh từ sự giám sát “vô hình” từ phía người dân và nội tại bộ máy.
Song song đó, chúng ta cần xem xét trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan để xảy ra tham nhũng và những cán bộ của cấp ủy, các cơ quan có liên quan trực tiếp đến các vụ việc tham nhũng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực ngày càng rõ nét hơn.
Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM
Đình Phú (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm