Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hiến kế phòng chống tham nhũng:Công khai,minh bạch trong ban hành chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Có thể nói, tình trạng tham nhũng hiện nay ngày càng gia tăng phức tạp và biến tướng nguy hiểm.

Phóng viên báo đài tác nghiệp tại Quốc hội
Phóng viên báo đài tác nghiệp tại Quốc hội



Tham nhũng đã thành tệ nạn len lỏi vào mọi lĩnh vực, ngõ ngách của đời sống xã hội.

Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua T.Ư tổ chức Hội nghị toàn quốc để bàn và đưa ra quyết sách lớn về phòng, chống tham nhũng.

Thời gian gần đây xuất hiện thêm dạng tham nhũng mới, đó là tham nhũng chính sách. Đây là loại tham nhũng có sự câu kết với những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan nhà nước để ra những quyết định hoặc tác động thiên lệch vào những quyết sách của nhà nước nhằm phục vụ cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc nhóm lợi ích nào đó.

 

"Cần có quy định cụ thể về phản biện chính sách, quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch và phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi ban hành đối với các chính sách, chế độ ưu tiên, ưu đãi trong các lĩnh vực quan trọng, sử dụng nhiều nguồn lực của đất nước"-Th.S luật Phạm Văn Chung

Loại tham nhũng này rất tinh vi và thường gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Bởi vì, chỉ cần thông qua một cơ chế, chính sách ưu đãi, bổ sung điều chỉnh quy hoạch hoặc chủ trương cấp vốn, chuyển nhượng, cho phép đầu tư... thì các nhóm lợi ích, một cá nhân, doanh nghiệp đã bỏ túi số tiền lớn, có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Nguy hiểm hơn, tham nhũng chính sách diễn ra công khai nên rất khó định hình, phát hiện và xử lý, vì trên thực tế hành vi tham nhũng loại này thường đúng pháp luật, đúng quy trình!

Tham nhũng chính sách xảy ra chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực mà cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực còn lỏng lẻo, bè phái, nhóm lợi ích hoành hành và việc phản biện chính sách còn hời hợt, bị xem nhẹ, hình thức. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” vì lợi ích cá nhân mà ban hành, phê duyệt những chính sách bất cập, gây thiệt hại cho xã hội diễn ra ngày càng nhiều.

Để ngăn chặn loại tham nhũng này, theo chúng tôi quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong việc ban hành chính sách. Chỉ khi công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả các chính sách, chủ trương sai trái để tham nhũng. Mặt khác, việc công khai, minh bạch quá trình ban hành chính sách còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Bởi vì, khi đó nếu cơ chế, chính sách gây thiệt hại, bị lợi dụng có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm về sau.

Ngoài ra, cần phải có cơ chế khuyến khích, phát huy sự giám sát, phản biện của người dân và báo chí đối với việc xây dựng, ban hành chính sách. Theo thống kê của cơ quan chức năng thì có trên 70% các vụ tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện, xử lý là từ tố giác của người dân, báo chí. Đặc biệt đối với việc mua bán, chuyển nhượng, góp vốn tài sản lớn của nhà nước thì càng phải đảm bảo công khai, minh bạch để hạn chế, ngăn chặn tham nhũng chính sách.

Công khai, minh bạch trong việc ban hành chính sách và phát huy tốt cơ chế giám sát, phản biện của người dân, cơ quan báo chí sẽ giúp cho việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn nữa. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về phản biện chính sách, quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch và phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi ban hành đối với các chính sách, chế độ ưu tiên, ưu đãi trong các lĩnh vực quan trọng, sử dụng nhiều nguồn lực của đất nước.

 

Th.S luật Phạm Văn Chung (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm