Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thông qua các lớp tập huấn, gặp gỡ, trao đổi, đội ngũ nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở đã phát huy vai trò, uy tín của mình đối với cộng đồng dân cư sở tại.
Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở, nhất là ở các xã trọng điểm là một trong những nhiệm vụ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm. Từ năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chọn 109 tuyên truyền viên của 4 xã có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh để thí điểm xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng. Đó là các xã: Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Ia Le (huyện Chư Pưh), Hà Ra (huyện Mang Yang) và An Thành (huyện Đak Pơ). Năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chọn, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở tại 4 xã: Ia Le (huyện Chư Pưh), Hà Ra (huyện Mang Yang), Chư A Thai (huyện Phú Thiện) và Ia Dom (huyện Đức Cơ). Năm 2019, ngoài việc tiếp tục xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở tại các xã: Hà Ra, Ia Le, Chư A Thai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai hoạt động này tại xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông).
 Một buổi tập huấn cho lực lượng tuyên truyền miệng nòng cốt ở cơ sở. Ảnh: T.B
Một buổi tập huấn cho lực lượng tuyên truyền miệng nòng cốt ở cơ sở. Ảnh: T.B
Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 50% xã, phường thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố đồng thời triển khai chương trình này. Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại cơ sở. Việc tham gia truyền đạt tại các lớp tập huấn cũng là cơ hội để các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của tỉnh được gần gũi với cơ sở, giúp nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có những định hướng tuyên truyền chính xác, kịp thời hơn”.

Những người tham gia lực lượng này ở cơ sở phải đảm bảo các tiêu chí: có khả năng tuyên truyền miệng tốt; có tinh thần trách nhiệm; có uy tín trong cộng đồng; sống gần gũi, gắn bó với nhân dân tại địa phương; am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trên địa bàn đang sinh sống; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật. Khi tham gia vào lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng, các tuyên truyền viên được tập huấn định kỳ hàng tháng nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp công tác tuyên truyền miệng; khả năng nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội ở cơ sở; cách tuyên truyền, định hướng, cung cấp thông tin tình hình thời sự, chính trị, an ninh trong nước và quốc tế; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, địa phương về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; việc triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận... trên địa bàn xã. Ông Pớt-Trưởng thôn Bông (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Trước đây, tôi rất ngại nói chuyện trước nhiều người. Từ ngày được tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền miệng, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức xã hội, khi về làng, tôi mạnh dạn truyền đạt nên dân làng cũng dễ hiểu và nghe theo nhiều hơn”.
Ông Phan Văn Hiệp-Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu-cho hay: “Qua các đợt tập huấn, Đảng ủy xã nhận thấy thái độ, ý thức, khả năng tiếp thu nội dung, kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ của các thành viên trong lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại thôn làng dần được nâng cao. Các tuyên truyền viên được tăng cường khả năng nói trước công chúng nên không còn nặng tính độc thoại, không còn né tránh những vấn đề bức xúc, nhạy cảm nảy sinh từ thực tiễn mà dư luận đang quan tâm, tạo được sự lôi cuốn và thuyết phục người nghe”.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 1.500 lượt tuyên truyền viên cấp thôn, làng trên địa bàn toàn tỉnh đã được tham gia tập huấn. Hoạt động của công tác tuyên truyền miệng cũng từng bước đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, từ đó tạo sự thống nhất dư luận trước các vấn đề thời sự trong nước, trong tỉnh và quốc tế; đấu tranh phản bác trước các quan điểm sai trái; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; góp phần tạo ra phong trào hành động cách mạng, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Theo số liệu thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tính đến tháng 10-2018, toàn tỉnh có 10 Huyện, Thị, Thành ủy ban hành kế hoạch xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở; 7 địa phương ban hành quyết định thành lập lực lượng; 6 địa phương xây dựng quy chế hoạt động cụ thể cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng thôn, làng, tổ dân phố. Nhiều địa phương đã tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn như: huyện Chư Sê có 15 xã, thị trấn; Kbang 14 xã, thị trấn; Chư Pưh 8 xã; thị xã An Khê 11 xã, phường. Một số địa phương đã xây dựng được đội ngũ lực lượng nòng cốt đông đảo, trải khắp các thôn, làng như: Kbang (198 người); Chư Sê (183 người); Chư Pưh (136 người)…
Khôi Nguyên - Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm