Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hiệu quả từ công tác giám sát, phản biện xã hội ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 5 năm thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai đã từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và Ban Dân vận Trung ương ban hành hướng dẫn thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, ngày 14-3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 553-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 554-QĐ/TU về Quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua quán triệt, triển khai thực hiện, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được nâng lên; vị thế và vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ngày càng được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền các cấp. 
 Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn làm việc với Mặt trận và các đoàn thể. Ảnh: N.H
Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn làm việc với Mặt trận và các đoàn thể. Ảnh: N.H
Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức 1.166 lượt giám sát tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn (cấp tỉnh 106 đoàn, cấp huyện 151 đoàn, cấp xã 909 đoàn) với 2.346 lượt nội dung (cấp tỉnh 177 lượt, cấp huyện 418 lượt, cấp xã 1.751 lượt); tổ chức 260 lượt giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Sau mỗi cuộc giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đều báo cáo kết quả thực hiện giám sát với cấp ủy, HĐND, UBND cùng cấp để các cơ quan, tổ chức được báo cáo cho ý kiến về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát nhằm chỉ đạo các đối tượng giám sát khắc phục, sửa chữa những tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Cùng với công tác giám sát, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phản biện xã hội. Trong 5 năm qua, MTTQ phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức được 301 cuộc phản biện với 482 lượt văn bản dự thảo. Đặc biệt, trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh phản biện dự thảo báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của UBND tỉnh...
Công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, gắn với việc triển khai Quyết định số 553-QĐ/TU, 554-QĐ/TU được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, MTTQ phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh tổng hợp chuyển đến các cơ quan có chức năng 1.000 lượt ý kiến góp ý. Nhờ đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đã thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện tích cực và đạt những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể (năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 13,34%; đến năm 2018, giảm còn 10,34%). Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Phải khẳng định rằng, qua 5 năm thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
NGỌC HẢI

Có thể bạn quan tâm