Hiệu quả từ phong trào duy trì sĩ số học sinh ở Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 8-2016, UBND huyện Mang Yang đã tổ chức hội nghị bàn sâu về vấn đề duy trì sĩ số học sinh với sự tham gia của tất cả đơn vị trường học, UBND và MTTQ các xã. Đến nay, sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, sự sâu sát của từng địa phương đã giúp phong trào duy trì sĩ số học sinh của ngành giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Học sinh Trường Tiểu học Kon Chiêng (xã Kon Chiêng) đi học chuyên cần hơn khi có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Ảnh: N.G

Ông Krung Dam Đoàn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã đặc biệt quan tâm tới vấn đề duy trì sĩ số học sinh. Chủ tịch UBND các xã phải trực tiếp chỉ đạo, phân công các ban, ngành, đoàn thể phụ trách từng thôn, làng, thậm chí phụ trách từng nhóm học sinh. Nhiệm vụ này trở thành một trong những tiêu chí thi đua của cán bộ từ xã đến các thôn, làng”.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc duy trì sĩ số học sinh tại huyện Mang Yang đến nay đã đạt được kết quả khả quan. “Trước khi UBND huyện tổ chức hội nghị về duy trì sĩ số học sinh thì chính quyền địa phương cũng đã có sự phối hợp với nhà trường nhằm vận động học sinh đi học. Nhưng sau hội nghị, với quy chế phối hợp được xây dựng rõ ràng, các ban, ngành, đoàn thể đã vào cuộc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Từ hệ thống chính trị thôn, làng đến xã đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc giám sát học sinh, giảm thiểu học sinh vắng học theo mùa”-thầy Hoàng Kim Hữu-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Đê Ar (xã Đê Ar) cho biết. Cũng theo thầy Hữu, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Đê Ar những năm trước đây thường xuyên có khoảng 10% học sinh vắng học nhưng năm học 2016-2017, con số này đã giảm đáng kể. Nhiều em học sinh đã bỏ hẳn thói quen theo bố mẹ lên rẫy để đến trường rất đều đặn.

Xác định nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh là quan trọng, UBND huyện Mang Yang đã xây dựng rất nhiều giải pháp với sự tham mưu của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện. Công tác giáo dục chịu tác động rất lớn của điều kiện kinh tế-xã hội nên việc ưu tiên đầu tư lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, vấn nạn tảo hôn, sinh con đông... giúp học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường. Các ngành liên quan còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học. Cơ sở vật chất trường lớp theo đó cũng được quan tâm đầu tư để đảm bảo việc dạy và học nhằm tạo sự hứng thú cho giáo viên và học sinh. Các địa phương cũng tăng cường hình thức tổ chức các lớp bán trú dân nuôi, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục...

Đến nay, huyện Mang Yang đang từng bước thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của phong trào duy trì sĩ số học sinh. Đây chính là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Giáo dục-Đào tạo của huyện khi sự nghiệp “trồng người” đang nhận được nhiều sự quan tâm. “Muốn sự nghiệp giáo dục thành công thực sự rất cần sự phối hợp của toàn xã hội bởi không thể chỉ dựa vào thầy-cô giáo hay nhà trường trong việc tạo ra một công dân tốt. Chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền các địa phương trong việc duy trì sĩ số học sinh nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung”-ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang bày tỏ.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm