Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hoa cho ngày 20.11

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Nội trú nằm cheo veo trên đồi, buồn hiu hắt. Cũng may, cách đó chừng năm trăm mét có nhà bác Hữu, ngự ngay cua chuẩn bị lên đồi. Ở nơi hoang sơ vắng vẻ, bác trở thành chỗ thân tình của chúng tôi. Có miếng gì ngon bác cũng đem lên nội trú chia sẻ. Nội trú có ai đau bệnh đều chạy xuống bác. Không chỉ tận tụy với công việc, chu đáo với những đồng nghiệp trẻ mà bác còn tận tâm với học sinh. Các em nhất chúng đồng gọi “bác” xưng “con”. Trái tim sẽ dễ dàng chạm đến trái tim. Đó là lí do trường tôi, từ giáo viên đến học sinh, đều rất coi trọng… bác bảo vệ.            

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân



Được hợp đồng làm bảo vệ nhưng bác Hữu tự nguyện kiêm luôn những công việc không tên khác của trường. Tôi cảm mến sự tận tụy, xốc vác mà gọi bác là Đại tổng quản.
 
Này nhé, làm bảo vệ, không chỉ bổn phận giữ trật tự, kiêm rửa tách pha trà, quét dọn phòng chờ giáo viên mà bác còn đảm bảo sạch sẽ cho khu WC của học sinh. Công việc này quả rất cực. Thời đầu, nhà vệ sinh thô sơ. Sau nâng cấp, có nhà vệ sinh thoát nước nhưng nghẹt ống miết, cứ trào ngược lên, hôi điên đầu. Ban đầu tự nguyện làm nhưng sau nhà trường thấy bất nhẫn quá nên đề nghị các lớp chủ động thu phí, bồi dưỡng bác. Cũng không bõ bèn gì, khoản đóng góp cực mỏng nhưng học trò em nộp em không. Chưa nói đã đóng tiền thì các em càng cho phép mình bừa bãi. Nhiều lúc tôi nghĩ chỉ có ba đầu sáu tay mới gánh nổi ngần ấy công việc, bác nhiệt tình chia sẻ luôn phần trực trống với học sinh. Thay vì cờ đỏ làm trọn buổi nhưng hết tiết 3 bác cho về cơm nước ngủ nghỉ đặng chiều đi học, hai tiết cuối bác lo. Chưa hết, hồi đó trường chưa có nhân viên y tế, bác kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho giáo viên, học sinh. Trước khi về trường làm bảo vệ, bác có nghề tay trái bấm huyệt, xoa bóp và đã tự trang bị những kiến thức tối cần thiết về chăm sóc sức khỏe nên toàn trường tin tưởng, từ giáo viên đến học trò, giả có đau đầu, đau bụng, bong gân, trật khớp  đều ơi ới gọi bác Hữu.
 
À, bác còn lui tới ngôi chùa nhỏ của xóm núi rất thường xuyên nên kiêm luôn việc liên lạc thiện nguyện giữa chùa và nhà trường. Nhờ những lời chia sẻ thiết tha của bác, những nhà hảo tâm đã tìm về tặng sách, vở, quần áo, xe đạp, học bổng… cho học sinh nghèo. Bản thân bác cũng góp. Năm nào cũng vậy, cuối năm, bác đều trích quỹ mua cặp, vở tặng các em.
 
Trước giờ, vị khách nào đến trường tôi cũng kinh ngạc vì chặp lại nghe “bác Hữu ơi…”. Từ chuyện lớn đến chuyện bé, bác là người đầu tiên được/bị học trò réo gọi cầu cứu. Kể về bác, tôi không thể quên chuyện bi hài này. Đó là hồi mới về trường. Hôm đó, trong tiết học nhưng có tới hai em học sinh xin ra ngoài. Lưỡng lự, tính sẽ đồng ý với điều kiện phải đi lần lượt từng em nhưng thấy vẻ mặt nhăn nhó bèn nghĩ học trò cần giải quyết “chuyện cấp bách” nên gật đầu. Nhưng vừa ra khỏi cửa lại thấy hai em quay đầu lại, khép nép vòng tay thưa cô chứ không tự nhiên như lúc nãy. Tôi kinh ngạc hỏi sao lại trở vô, một em trả lời, bác Hữu không cho đi. Tôi có hơi băn khoăn khó hiểu chuyện học trò sợ bác Hữu hơn cô, đặc biệt chuyện cô phán nơi, bác bảo nẻo nhưng ngay giờ ra chơi, bác kể vanh vách “tiền án tiền sự” của hai ông học trò quậy ngầm. Tôi hiểu rằng bác gần gũi và hiểu đến từng học sinh. Cũng từ hôm đó, tôi đã thay đổi cách nghĩ về bác.
 
Là giáo viên mới, phần đáng tuổi con, phần vì nể trọng và quý mến nên với bác tôi rất lễ phép - một “dạ” hai “thưa”. Học sinh thắc mắc, cô là giáo viên, bác Hữu là bảo vệ mà? Tôi phải giải thích cho các em hiểu, không phải lúc nào cũng xét vai giao tiếp dựa trên tiêu chí bằng cấp, công việc. Không chỉ tôi, bác Hữu cũng chọn lối ứng xử phải đạo. Khiêm nhường, bác chọn vai dưới khi giao tiếp, luôn xưng “tui” và gọi “thầy/cô giáo” với tất cả các thầy cô khác trong trường. Điều đó càng làm tôi trọng bác hơn.
 
 
2. Đi dạy xa nhà, trường lớp xệch xoạc xiêu vẹo, nội trú tiêu điều, xác xơ - chim kêu vượn hú, không điện đóm nước non, cảnh thê lương khôn xiết. Lại thêm buổi tối, còn phải đi dạy phổ cập. Đường gồ ghề, đêm đen đặc, sợ ma chút chết song vì nhiệm vụ cũng phải làm. Học sinh đến trường mười đứa hết tám lôi thôi lếch thếch. Tóc tai bù xù, áo quần nhem nhuốc, đứng từ xa đã nghe mùi nắng quyện trong mùi mồ hôi, khen khét. Trường nghèo dân nghèo, học trò không có điều kiện học tập, thêm ảnh hưởng mặt bằng dân trí thấp của cộng đồng dân cư nên các em bỏ học giữa chừng nhiều. Giáo viên vất vả, cả dạy chính quy lẫn dạy phổ cập ban đêm, phụ đạo trong hè.
 
Khổ. Nếu tối nào mấy anh chị đi phổ cập hết, tôi một mình giữ nội trú, sợ tái mặt. Cô nàng chết nhát làm sao dám ngồi một mình ở cái trạm y tế cũ bị bỏ hoang mấy năm, nơi có nhiều người chết vì sốt rét. Tôi ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà bác Hữu. Ngôi nhà bé như cái gian của anh thợ cắt tóc, ngự dưới chân dốc, ngay cua quẹo lên trường. Nhà chỉ có chiếc giường và cái bàn vuông tiếp khách, trước cửa có bộ bàn đá tự chế. Mỗi lần xuống, tôi ôm chiếc radio của bác ngồi nghe, nghĩ ngợi, rồi ngẩn ngơ, mơ mộng.
 
Lần đó, bắt gặp tôi vừa nghe đài, vừa đưa tay lau vệt nước mắt vạch ngang má, bác hỏi: nghe được chuyện buồn gì mà phát khóc? Như người đi trên sa mạc gặp dòng nước mát, tôi tâm sự về nỗi hụt hẫng, thất vọng khi đối mặt cùng thực tế. Nhiều khi tôi có cảm giác mình như cánh chim non bị lạc vào rừng già, mịt mù, mất phương hướng. Tệ hơn, tôi hối hận về cái ngày hăng hái ôm hồ sơ lên núi nộp để giờ lâm cảnh con cá mắc cạn. Nhiều khi khổ, buồn, muốn… trốn về xuôi quách! Tôi ngồi nói liên hồi kì trận, nước mắt rơi lã chã.
 
Bác lắng nghe, cho đến khi tôi dốc cạn tâm tư, ngồi nấc mới bắt đầu. Bác kể đây là vùng kinh tế mới, những ngày đầu khai hoang mở đất, chỉ là một vùng cây cối rậm rịt. Ban đầu bác cũng phá rừng, đào vàng, sau sức lực không đủ để “đâm hà bá, phá sơn lâm” nữa, bác dựng cái tiệm sửa xe đạp dưới đồi, cạnh con đường xương sống của xã. Khi những nóc nhà mọc lên, người ta dựng tạm ngôi trường trên đồi cho trẻ em. Trường tạm bợ, lớp ghép, thầy cô dạy liên môn. Sau dân di cư ngày một nhiều, trường lớp cũng đã nên hình nên dạng nên bác nộp đơn xin chân bảo vệ.
 
Bác kêu, nơi nghèo khó, học sinh bỏ học nhiều, bảo vệ cũng xúm vận động các em ra lớp. Gian nan, rất gian nan. Cũng có lúc được nhưng thất bại cũng nhiều - bác nói - hồi đó nghèo rạc, ba mẹ cắm cúi trên rừng, con cái học hành lõm bõm, được nhiêu hay nhiêu, con học lớp mấy, ai chủ nhiệm phụ huynh cũng không biết. Đi vận động học sinh ra lớp là chuyện bi hài. Có những ngày gian nan lội rừng cả ngày, mướt mồ hôi nhưng đâu thể cột dây kéo học trò ra lớp. Đi ròng rã rồi về tay không. Nếu vì lí do nghèo, không sách vở, không xe đạp còn hỗ trợ được chứ có những em học dốt, quậy phá bị kỉ luật rồi bỏ học, có em bỏ xứ đi làm ăn xa, có em tuổi nhỏ đã dính tảo hôn phải cất áo trắng ở nhà làm mẹ vân vân... Nếu lí do bỏ học chỉ nằm ở phía học sinh thì dễ hơn, chỉ sợ phụ huynh. Trời ơi, có nhiều người, thấy nhà trường tới nhà là xua tay đuổi, đuổi thẳng chứ khỏi phải đuổi khéo. Bác càng kể, tôi lại càng thấy quý mến bác hơn. Và cũng tự thấy hổ thẹn về tuổi trẻ thiếu ý chí của mình.
 
3. Cho tới bây giờ, sau gần hai mươi năm làm nghề dạy học, tôi cũng chưa bao giờ quên được ngày 20/11 đầu tiên ở trên núi.
 
Học sinh quàng vào cổ cô giáo tận mấy vòng hoa cỏ. Tôi ngất ngây với món quà “nguyệt quế” có một không hai. Hạnh phúc dữ dội, tôi còn to gan nghĩ mình là người duy nhất nhận được món quà đặc biệt như thế trong ngày 20/11.
 
Chiều đó, tôi te te xuống căn phòng nhỏ của bác Hữu để khoe món quà… không đụng hàng. Bước vào, tôi bất ngờ thấy trên cái bàn đá là những vòng hoa cỏ, giống y của cô và mảnh giấy: “Con chúc bác luôn mạnh khỏe để chỉ cho chúng con biết điều hay lẽ phải!”. Đọc xong tôi cười. Tôi còn vui gấp đôi bác Hữu. Tôi đã nghĩ mình thật hạnh phúc vì được làm cô giáo của những học sinh như vậy.
 
Bây giờ, ngôi trường bệ rạc ngày xưa được nâng thành ngôi trường tầng khang trang, bề thế. Học sinh đến trường sạch sẽ, tinh tươm. Cuộc sống đổi mới, nhà trường cũng còn khó khăn nhưng không gian nan trong việc dắt học trò ra lớp như ngày xưa nữa.
 
Năm nào tới dịp 20/11, tôi cũng kể cho học trò nghe kỉ niệm về những bó hoa cỏ tặng cô và bác bảo vệ. Chỉ riêng việc khi bác Hữu phát hiện mình bị vô sinh rồi từ hôn bỏ phố về núi là bí mật chỉ mình tôi biết. À, và tôi cũng chưa kể với ai chuyện 20/11 năm nào tôi cũng có hoa tặng bác - người thầy trường đời của tôi.
 

http://baolamdong.vn/vhnt/202011/hoa-cho-ngay-2011-3030336/

Theo NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm