Phóng sự - Ký sự

Hoa đã nở giữa điêu tàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiếc xe Win chồm lên khỏi bãi đá, bốc đầu. Không thể kiểm soát được “con ngựa sắt” để qua được con dốc dựng đứng trên đường vào làng Ong, tôi bỏ lại xe, cầu cứu anh Quốc Anh - cán bộ xã Phước Lộc (Phước Sơn) rồi cuốc bộ lên dốc. Ký ức dội về ngày mưa của gần 3 năm trước, khi tôi cùng những cán bộ của xã lầm lụi đi trong đêm, băng qua ngổn ngang cây rừng ngã rạp sau bão, vào làng Ong, tức thôn 6 cũ của xã Phước Lộc...

Chiếc xe Win chồm lên khỏi bãi đá, bốc đầu. Không thể kiểm soát được “con ngựa sắt” để qua được con dốc dựng đứng trên đường vào làng Ong, tôi bỏ lại xe, cầu cứu anh Quốc Anh - cán bộ xã Phước Lộc (Phước Sơn) rồi cuốc bộ lên dốc. Ký ức dội về ngày mưa của gần 3 năm trước, khi tôi cùng những cán bộ của xã lầm lụi đi trong đêm, băng qua ngổn ngang cây rừng ngã rạp sau bão, vào làng Ong, tức thôn 6 cũ của xã Phước Lộc...

Hơn hai mươi hộ đã được bố trí ổn định chỗ ở tại làng Ong. Ảnh: C.Q

Hơn hai mươi hộ đã được bố trí ổn định chỗ ở tại làng Ong. Ảnh: C.Q

1. Sắp tròn 3 năm kể từ sự kiện không thể quên của làng Ong vào cuối năm 2020. Lũ tràn về, hung tàn xé toạc làng Ong. Sạt lở cô lập. Mưa triền miên. Hai tháng trời sau đó, tôi mới có thể tiếp cận được làng Ong. Không thể khắc họa được hết những gì đã diễn ra chỉ bằng chiếc máy ảnh và chữ nghĩa.

Lổn nhổn đá to đá nhỏ phủ kín làng, vài gốc cây cổ thụ bị cuốn theo dòng lũ, ngổn ngang. Ngôi làng từng trù phú nhất vùng cao Phước Lộc bị xóa sổ. Đêm sâu, tiếng cuốc kêu thăm thẳm giữa màn mưa lạnh, vắng lặng đến rợn người. Chúng tôi đã ngủ ở căn lán tạm dựng ngay giữa “đồi ma”. Chỉ còn gia đình Hồ Văn Đoàn và Hồ Văn Cây ở lại.

Chiều 28/10/2020, ngày đỉnh núi vỡ. Hồ Thị Nhí, vợ Đoàn chỉ kịp quắp lấy hai đứa con, nhắm ngọn đồi mà chạy. Ngoảnh lại, chẳng còn thấy nhà đâu nữa. Mưa, hai đứa trẻ khóc ngằn ngặt vì lạnh và đói. Ba mẹ con ngủ ngồi ngay giữa những ngôi mộ, trên đồi ma. Mẹ của Hồ Thị Nhí đã trôi theo dòng lũ hung tàn.

Ngày hôm sau, Hồ Văn Cây - em trai Nhí tìm được họ. Nhưng anh vĩnh viễn không cứu được mẹ mình và hai đứa con. Xác hai đứa nhỏ được họ chôn tại đồi ma, không xa căn lán tạm.

Làng Ong bị xóa sổ, 11 người vĩnh viễn nằm lại. Đêm tôi vào được làng, Hồ Văn Cây vẫn đang ngày ngày đi dọc triền suối tìm xác mẹ, nhưng vô vọng. Trong túp lều tạm, Hồ Thị Vy, vợ Cây đun thêm củi vào bếp. Cô hỏi xin rượu để uống với Nhí. “Mình buồn quá!”. Đôi mắt của Vy vô hồn đến ám ảnh. Trong cái đêm thăm thẳm buồn ở đồi ma, nước mắt họ chảy chắc chẳng phải vì khói bếp đang ùn lên trong lều tạm...

Lại mưa. Con đường nay đã được mở lại, dù rất xấu, để vào làng Ong. Bước qua đỉnh dốc, một dãy nhà tôn mới hiện ra ngay đầu làng, chỗ trước kia vốn chỉ là những thửa ruộng. Tôi không tìm thấy ai trong số những người mình đã từng gặp hồi thảm nạn 2020. Hồ Văn Thướt, anh vợ của Đoàn chui ra từ chái bếp.

Tháng 10/2021, Thướt cùng những gia đình khác được bố trí về ở nhà mới. Hai chục nóc nhà, là nỗ lực không ngừng nghỉ của địa phương trong việc tái thiết sau thiên tai, ổn định đời sống đồng bào vùng sạt lở. Những căn nhà dựng lên bằng chính công sức, mồ hôi của người dân và cán bộ địa phương. Tất cả lực lượng được huy động để thay nhau phụ giúp dân làng. “Dựng lại nhà, dựng lại người”, tất cả bắt đầu lại một cuộc sống mới, sau thảm họa.

Những căn nhà đã được dựng lên cách không xa làng cũ, giảm đi ám ảnh sạt lở cho bà con làng Ong. Ảnh: C.Q

Những căn nhà đã được dựng lên cách không xa làng cũ, giảm đi ám ảnh sạt lở cho bà con làng Ong. Ảnh: C.Q

2. Những ngày đang khác. Hồ Văn Thướt cùng vợ vào lại rẫy, phát dỡ cây cối, trồng lại hoa màu. Đám ruộng cũ đành bỏ không vì sỏi đá tràn ngập, họ xoay xở khai hoang, vào rừng với nghề làm bộng nuôi ong lấy mật.

Thướt nói cuộc sống “bình thường”, dân làng không còn quá đau buồn vì những gì đã xảy ra 3 năm trước. “Nhà hơi chật. Ở sát nhau quá, không có đất để trồng cây gì. Xưa nhà nào cũng có vườn, rộng rãi” - anh nhắc. Vẫn sót một niềm tiếc nuối trong gương mặt có phần khắc khổ, dù ánh nhìn đã ấm lên nhiều.

Một tốp những người đàn bà tụm lại nói chuyện trước hiên nhà. Không ai trả lời khi chúng tôi cố gắng bắt chuyện. Họ ngồi dưới một cột điện. Cái cột điện mà tôi vô tình va phải trong ánh nhìn lướt qua những người đàn bà, chợt nhắc nhớ một sự kiện quan trọng: trước Tết Nhâm Dần năm 2022, ánh điện đã về tới làng Ong.

Sự kiện đó, có thể đã nằm trong dự tính của ngành điện, của chính quyền trong các văn bản chủ trương, chỉ đạo triển khai kế hoạch... Nhưng điều tưởng chừng giản đơn ấy, với làng Ong đã nhân lên nhiều ý nghĩa.

Một sự quan tâm vô cùng thiết thực cho những người vừa mới bước ra từ đống đổ nát. Họ được sống. Sống một cuộc đời khác, đón một thứ ánh sáng khác, thay cho những đêm tối của cơ cực và cả những nỗi đau...

Anh Bùi Dương Quốc Anh - cán bộ xã Phước Lộc kể với chúng tôi, rằng chính quyền địa phương đã “làm tất cả những gì có thể” để lo cho bà con vùng sạt lở. Những ngày ở Phước Lộc, tôi đã đi cùng họ vào làng, lo từng bữa ăn, chốn ở tạm cho dân, tìm kiếm người mất tích.

Họ ở đó nhiều hơn cả trụ sở làm việc, tính toán từng việc phải làm, rồi cũng tự tay họ cùng bà con nhặt nhạnh từng thanh gỗ, trộn từng xẻng hồ xây nhà mới cho dân. “Bà con báo xã, rằng mơ thấy người thân của mình về báo mộng, bảo xuống một vị trí ở gần lòng hồ thủy điện để tìm.

Chỗ đó có một quả bóng nhựa nhỏ, cạnh một thân cây gỗ. Để an dân, chúng tôi cũng cử lực lượng hỗ trợ đi tìm. Năm ngày trời, chúng tôi tìm thấy một quả bóng nhựa như mô tả thật, rồi tỏa ra đào xới nhưng vô vọng. Một lần khác, họ lại nhờ xuống dưới cầu Dây ở Phước Kim.

Chúng tôi lại xuống, lần này thì tìm thấy được tám mươi triệu đồng cất trong một cái tủ nhỏ của gia đình ông Hồ Văn Yên. Xã đưa về cất giữ, làm thủ tục xác minh rồi trao trả cho gia đình. Làm được gì, chúng tôi đều đã làm bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm với bà con” - anh Quốc Anh chia sẻ.

3. Căn nhà mới của Hồ Văn Đoàn ở thôn 2, nằm lưng chừng dốc, nhìn xuống một con suối nhỏ. Xung quanh vẫn là rừng, xanh thắm. Đoàn vừa chẻ được một ôm những thanh nứa, làm hàng rào. Quanh nhà, mấy cái hố nhỏ được đào, bỏ sẵn phân chuồng.

Tháng 4/2021, nửa năm sau thảm họa, Đoàn xin đất của anh ruột, một khoảnh đất nhỏ ở vạt ruộng tương đối bằng phẳng, dựng nhà. “Nhà nước hỗ trợ 140 triệu đồng, mình vay thêm được 100 triệu nữa, đủ để làm nhà. Anh em xúm vào làm giúp. Mình không thể ở lại làng cũ được. Gia đình mình và Cây ra đây, dựng lại nhà” - Đoàn nói.

Hồ Văn Đoàn rời làng cũ, ra dựng nhà ở thôn 2 từ tháng 4/2021. Ảnh: C.Q

Hồ Văn Đoàn rời làng cũ, ra dựng nhà ở thôn 2 từ tháng 4/2021. Ảnh: C.Q

Hai lần mất trắng, cháy nhà năm 2018 và sạt lở năm 2020, Đoàn chừng như đã quá ám ảnh với những gì xảy đến với gia đình mình. Đoàn chọn rời đi, vì anh tin chốn cũ “không an toàn” cho gia đình mình. “Không phải vì sợ đâu, em và vợ vẫn vào đó làm rẫy mà. Nhưng em không muốn ở đó nữa. Ở chỗ này tốt hơn, với lại em cũng dễ đưa đón mấy đứa con đi học” - Đoàn nói.

Sau cái chết của hai đứa cháu ruột, cũng là con của Hồ Văn Cây, Đoàn không muốn con mình phải vượt quãng đường xa xôi để trở về làng nữa. Chỗ ở mới chỉ cách trường chừng mười phút đi xe máy, anh vẫn đều đặn đón đưa lũ trẻ mỗi cuối tuần. “Nhà Cây cũng ở gần nhà mình. Vợ chồng Cây vừa sinh con đấy. Con của Cây vừa biết đi, là con gái” - Đoàn chỉ tay lên hướng đầu con dốc.

Những mặt người đã ấm. Đoàn kể lại vài chuyện cũ. Sẽ không thể nhớ tường tận như thế nếu là một người vô tâm, nhưng cái cách mà Đoàn kể đã nhẹ nhàng đi rất nhiều so với những gì từng diễn ra với anh, với người thân của anh. Mấy cái hố nhỏ quanh nhà, Đoàn nói sẽ trồng hoa. Tôi chợt nhớ đến khoảng sân trước những căn nhà mới nơi làng Ong. Cách đây không lâu, đoàn thanh niên của xã mang vào trồng trước mỗi nhà một cây hoa giấy. Những khóm hoa đã nở, khoe sắc. Phía làng cũ, nơi từng in dấu điêu tàn, nay xanh những vạt lau...

Có thể bạn quan tâm