Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Hoài nghi về "kiếm của vua Thành Thái" được bán giá 50.000 USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người trong giới chuyên môn, nhà nghiên cứu đang xôn xao trước việc nhà đấu giá GWS Auctions (Mỹ) bán đấu giá thành công "thanh kiếm của vua Thành Thái" với giá 50.000 USD.

Thanh kiếm của vua Thành Thái được bán đấu giá tại Mỹ với giá 50.000 USD


Ngày 19-7 (giờ Việt Nam), nhà đấu giá GWS Auctions (Mỹ) đã bán thành công một thanh kiếm mà họ cho là của vua Thành Thái, vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn, với giá 50.000 USD.

Theo mô tả của nhà đấu giá, thanh kiếm dài 32 inch (81 cm), nơi rộng nhất 4 inch (10 cm) và bề rộng lưỡi kiếm là 1,5 inch (3,8 cm). "Vật gia truyền quý giá này đã tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều triều đại và tồn tại hơn 1.000 năm. Thanh kiếm đại diện cho một quốc gia thịnh vượng, hòa bình, hạnh phúc và được trang trí bằng đá quý bên trong, các chi tiết được khắc và tay cầm hình hoa sen" - GWS Auctions mô tả.

Về nguồn gốc thanh kiếm, GWS Auctions cho biết thuộc quyền sở hữu của con cháu hoàng tộc nhà Nguyễn hiện sinh sống tại Mỹ, "mong muốn được giữ kín danh tính vì vẫn có người thân sống ở Việt Nam".

Giới nghiên cứu ở Việt Nam đang xôn xao về việc này. Trên các diễn đàn, hội nhóm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, cổ vật đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về lai lịch thanh kiếm. Có ý kiến cho rằng thanh kiếm được đấu giá chỉ là hàng giả, bằng chứng được đưa ra khi đối chiếu bút tích (chữ Hán) của vua Thành Thái còn được lưu trữ với hàng chữ trên cây kiếm. Cụ thể, theo các bút tích, vua Thành Thái viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái còn các chữ Hán trên thanh kiếm lại được viết từ trái qua phải.

Ngoài ra, 4 chữ "Vương quyền Thành Thái" trên thanh kiếm được cho là cụm từ không chính xác khi đặt vào thể chế chính trị của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Theo đó, từ khi vua Gia Long chính thức lên ngôi vào năm 1806, các vị vua sau đó của triều Nguyễn cũng đều xưng là hoàng đế - cao hơn quốc vương.


 

Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể thanh kiếm này là giả



Ông Tôn Thất Minh Khôi, một trong những hậu duệ của nhà Nguyễn và là người đam mê nghiên cứu lịch sử, cho biết các cụm từ liên quan người cai trị triều Nguyễn cũng đều dùng các tiền tố hoàng và đế để gọi nhằm thể hiện rõ địa vị của bậc thiên tử. Theo cách lý luận này, lẽ ra "Vương quyền Thành Thái" phải được chuyển thành "Hoàng quyền Thành Thái" hoặc "Đế quyền Thành Thái".

Theo TS Đoàn Thành Lộc - nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân, người sáng lập Nam Ngọc Hiên - dòng chữ "Thập nhất niên trọng xuân chi cát, công bộ phụng giám chú" (tạm hiểu: Ngày tốt của tháng 2 năm Thành Thái thứ 11, do Bộ Công chế tạo) không chỉ sai về lối viết từ trái sang phải mà còn về mặt ngữ nghĩa. Hoa văn trên kiếm cũng "xa lạ với hoa văn đương thời".


 

Bằng chứng được đưa ra là những chữ Hán khắc trên vỏ kiếm


Trên thanh kiếm có thêm 4 chữ "An dân Bảo kiếm" cũng khiến nhiều người nghiên cứu lịch sử nghi ngờ. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) hiện trưng bày 2 thanh "An dân Bảo kiếm" của Hoàng đế Khải Định với lối khắc chữ theo truyền thống từ trên xuống dưới, khác với từ trái sang phải như "kiếm của vua Thành Thái". Mức độ tinh xảo trong khâu chế tác cũng một trời một vực.  

Sự việc vẫn tiếp tục có những tranh cãi vì phía nhà đấu giá chưa lên tiếng, trong khi người đấu giá thành công thanh kiếm cũng chưa có bất cứ phản hồi nào.

 

Theo Thùy Trang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm