(GLO)- Ngày 2-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở tổ về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai đã thể hiện quan điểm đối với việc phê chuẩn Hiệp định quan trọng này.
Các đại biểu Quốc hội nhìn nhận về thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP là rất lớn, Chính phủ cần phải thể hiện trong Tờ trình về lộ trình sửa các văn bản luật, tránh tình trạng sau khi Quốc hội phê chuẩn mới có nghị quyết sửa luật và dự báo những thách thức, khó khăn cũng như cơ hội để các doanh nghiệp trong nước chủ động khi tham gia Hiệp định.
Ảnh: Vũ Định |
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai) đồng tình và thống nhất cao với tờ trình của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Hội trường. Đại biểu góp ý đối với “Thách thức trong lĩnh vực lao động” khi tham gia Hiệp định, nội dung của Hiệp định cũng giống như các Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc quyền được tổ chức năm 1948; Công ước về áp dụng những nguyên tắc của tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949. Khi tham gia Hiệp định CPTPP đặt ra cho các doanh nghiệp phải thành lập và thu hút được công nhân tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, để tránh sự lôi kéo của các tổ chức phản động. Việc tham gia Hiệp định đặt ra các trường hợp sau: Thứ nhất, người lao động tự lập hội là tốt nhất; thứ hai, người sử dụng lao động thành lập thì ta kiểm soát được; thứ ba, tránh các tổ chức phản động thành lập, lôi kéo người lao động tiềm ẩn nguy cơ đối với An ninh – Quốc phòng.
Khi Hiệp định phê chuẩn thì các cấp chính quyền phải nâng cao trách nhiệm, kiểm soát tốt, tránh để các tổ chức phản động thành lập. Đại biểu cũng nhìn nhận “đây là trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam cần tìm ra giải pháp để vận động, thu hút công nhân lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai). Ảnh: Vũ Định |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai) nhìn nhận ở phương diện hoàn thiện hệ thống pháp luật, đó là Chính phủ cần nêu ra lộ trình sửa đổi các văn bản luật cho phù hợp với Hiệp định khi Quốc hội phê chuẩn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát các luật liên quan như: Luật An ninh mạng; Luật Công đoàn; vấn đề sở hữu trí tuệ khi áp dụng,… đồng thời có thể sửa các văn bản luật tại kỳ họp này cho phù hợp với lộ trình và quy trình, kỹ thuật đối với việc sửa các văn bản luật liên quan đến Hiệp định CPTPP.
Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục có những ý kiến đóng góp đối với nội dung chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.
Vũ Định