45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tác phong, phương pháp lãnh đạo của người cán bộ trong giai đoạn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ngư­ời là một tấm gương sáng về phẩm chất và năng lực của ng­ười cán bộ cách mạng. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tác phong, phương pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ cách mạng.

Tác phong, phương pháp lãnh đạo của người cán bộ cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước; đồng thời có ý nghĩa thiết thực đối với việc xây dựng, rèn luyện tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan của Đảng, của Nhà nước.

 

Bác Hồ chụp ảnh kỉ niệm với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi Người về thăm quân và dân tỉnh Thanh Hóa (1961). Ảnh tư liệu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: những chức năng cơ bản của hoạt động lãnh đạo là xác định đường lối, tổ chức lựa chọn, bố trí cán bộ; vận động tuyên truyền, tổ chức cho quần chúng thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Để làm tốt những chức năng này, Người chỉ ra cách lãnh đạo đúng phải tuân thủ đầy đủ 3 khâu: "Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng", "Phải tổ chức sự thi hành cho đúng" và "Phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát" [1].

Trước hết, phải quyết định mọi vấn đề cho đúng, mà muốn quyết định mọi vấn đề đúng thì "bất cứ việc to, việc nhỏ, người cán bộ lãnh đạo phải xem xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm đấu tranh, lòng ham muốn, tính thiết thực của quần chúng. Do đó mà xây dựng tính cách làm việc, cách tổ chức cho đúng…, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào "khoét chân cho vừa giầy"... "ai cũng đóng giầy theo chân không ai đóng chân theo giầy"[2]. Điều đó đòi hỏi muốn có nghị quyết đúng, người lãnh đạo phải sâu sát, lắng nghe ý kiến của cơ sở, của quần chúng, chú trọng nghiên cứu những sáng tạo của địa phương, đơn vị... hết sức tránh việc tuỳ tiện, phiến diện chủ quan trong việc định ra những chủ trương, phương pháp lãnh đạo.

Sau khi đã có nghị quyết, thì việc tổ chức thi hành cho đúng là khâu có ý nghĩa quyết định. Việc đó lại phụ thuộc ở việc lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu, nội dung, tính chất của nhiệm vụ, của công việc.

Trong việc bố trí giao nhiệm vụ cho cán bộ, Bác căn dặn. Khi giao công tác cho cán bộ, cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi thì giao cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội khi chiến lươc, chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần can nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền "tuỳ cơ ứng biến", mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ sẽ như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến. Và Bác cũng dạy rằng, trước khi giao công tác cũng phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ, khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa ra lệnh khác. Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào, kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong, cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu nản chí. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, họ đứng" không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng"[3].

Người kịch liệt phê phán tệ quan liêu mệnh lệnh, xa rời quần chúng , Người cho rằng những người mắc bệnh này thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở để hiểu đúng thực tế... Thích dùng mệnh lệnh hành chính hơn là kiên nhẫn giáo dục quần chúng một cách có lý, có tình. Do đó mà đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng không thấu đến quần chúng, thi hành lệch lạc, hỏng công việc, lại mất lòng người. Người lên án hiện tượng lạm dụng chức quyền, đem bà con bạn hữu đặt vào chức nọ, chức kia. Người coi chủ nghĩa cá nhân là thứ giặc "nội xâm trong lòng". Do chủ nghĩa cá nhân mà đẻ ra các tư tưởng sai lệch khác: công thần, kiêu ngạo, kèn cựa địa vị, tham ô, lãnh phí, quan liêu... Cho nên chủ nghĩa cá nhân là "kẻ thù nguy hiểm, nó không mang gươm, mang súng, nó nằm ngay trong tổ chức để làm hỏng việc của chúng ta". Người yêu cầu phải chống giặc này như chống giặc ngoại xâm vì chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí làm tha hoá mất bao nhiêu cán bộ, đảng viên. Nhiều đồng chí vào sinh ra tử trong chiến tranh vẫn vững vàng vượt qua, thì ngày nay trong hoà bình đã bị kẻ thù này đánh gục. Đây là một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, thực hiện thắng lợi đường lối, nghị quyết của Đảng trong thời kỳ mới.

Tư tưởng của Bác về phương pháp, tác phong lãnh đạo phải gắn với công tác kiểm tra. Điều này Đảng ta cũng xác định rõ "lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không có lãnh đạo". Muốn kiểm tra có hiệu quả phải coi trọng hai vấn đề: "Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải làm thường xuyên. Hai là người kiểm soát phải là những người rất có uy tín". Tư tưởng của Người ý muốn chỉ rõ: công tác kiểm tra phải tiến hành ở mọi cấp, từ Trung ương đến cơ sở; phải có một hệ thống cơ quan chuyên trách, việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên và người được chọn làm cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất, năng lực tốt và có uy tín. Đồng thời phải "khéo" kiểm tra theo hai cách: "Một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên". Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra ở tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã được tổ chức chặt chẽ, đi vào nền nếp, góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết nội bộ, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của tổ chức Đảng, phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách, củng cố và giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới.

Tổng kết kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng của phương pháp lãnh đạo để bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển đường lối, nghị quyết đã đề ra. Muốn tổng kết thực tiễn có kết quả tốt yêu cầu người lãnh đạo phải liên hệ mật thiết với quần chúng, với thực tiễn, không mắc bệnh quan liêu, bàn giấy và với thái độ cầu thị, khiêm tốn, học hỏi nhân dân, học hỏi quần chúng. Tổng kết thực tiễn có hai cấp độ: Thứ nhất, để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm hay cho mọi người cùng làm. Thứ hai, tổng kết thực tiễn để bổ sung hoàn chỉnh đường lối, chính sách. Người chỉ rõ phải: "Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Sau đó lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo"[4].

Đối với đội ngũ cán bộ của Đảng và của Nhà nước, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp lãnh đạo là những chỉ dẫn quý báu, giúp cho cán bộ lãnh đạo biết cách thực hiện nhiệm vụ theo chức trách và cương vị của mình.

Quán triệt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là: Bồi dưỡng kiến thực toàn diện, giỏi chuyên ngành công tác Đảng, công tác của các đoàn thể chính quyền, đi đôi với xây dựng phương pháp tư duy biện chứng khoa học trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, của Nhà nước và của chính quyền các cấp.

Tính độc lập, chủ động sáng tạo trong công tác chỉ nảy sinh ở những người có sự hiểu biết sâu sắc về công việc đang làm và có phương pháp tư duy khoa học. Tri thức và có phương pháp tư duy biện chứng là cội nguồn của những năng động, sáng tạo. Vì vậy, công tác bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ của Đảng và của Nhà nước cần chú trọng bồi dưỡng toàn diện, đặc biệt là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lý luận và thực tiễn trong công tác tổ chức thực hiện theo hướng hiểu biết về chức năng nhiệm vụ của Đảng và của chính quyền các cấp, nhưng cán bộ chuyên ngành nào thì bồi dưỡng sâu việc đó, chuyên môn đó.

Hai là: Bồi dưỡng và rèn luyện tác phong nói đi đôi với làm, lý luận liên hệ với thực tiễn, sát với từng cơ quan, đơn vị và từng địa phương cơ sở, sát với cán bộ và quần chúng nhân dân, thực hành dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng và của Nhà nước.

Phải thường xuyên luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ xuống cơ sở vào thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và các hoạt động của địa phương để bồi dưỡng và rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, coi trọng kiểm tra, giám sát cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết khắc phục bệnh quan liêu, gia trưởng, độc đoán xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ ở các địa phương cơ sở.

Ba là: Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của các cơ quan, chính quyền các cấp.

Từ lãnh đạo, chỉ đạo đến các cơ quan chính quyền các cấp phải tuân thủ và thực hiện đúng các chế độ, các quy định và quy chế làm việc đã ban hành. Cấp uỷ các cấp phải đổi mới việc ra nghị quyết và ra quyết định theo hướng thiết thực, ngắn gọn; tổ chức triển khai thực hiện cho bằng được các nghị quyết đã ban hành. Chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp uỷ cấp mình thể hiện bằng kết quả hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở từng cơ quan, từng địa phương cơ sở và công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, chính quyền vững mạnh toàn diện.

Bốn là: Nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc chỉ đạo điểm; tính thiết thực của việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm có tác dụng tích cực về nhiều mặt, trong đó có bồi dưỡng nâng cao trình độ phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp. Vấn đề này, ở mọi cấp trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước thường làm. Song ở nhiều nơi việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm không thiết thực, kém hiệu quả, nặng về lễ nghi, hình thức chủ nghĩa... Vì vậy, để phát huy tác dụng của việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác cho cán bộ các cấp nói chung và cán bộ ở từng địa phương nói riêng, yêu cầu việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần bảo đảm ý nghĩa đích thực và đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan của đảng và Nhà nước phải không ngừng học tập, rèn luyện, thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác; vận dụng linh hoạt sáng tạo lý luận gắn với thực tiễn, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị; phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương cơ sở trong tình hình mới.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phương pháp, tác phong trong công tác lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo có ý nghĩa hết sức quan trọng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền. Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa đó; làm tốt những vấn đề nêu trên là góp phần thiết thực vào nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ lãnh đạo; đồng thời góp phần thiết thực vào thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới phong cách, phương pháp và tác phong công tác lãnh đạo của người cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới.

[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 285.

2 Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb ST, H. 1984, tr. 462.

3 Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 285.

[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb ST, H. 1984, tr. 462.

Theo đcsvn

Có thể bạn quan tâm