Hội An sẽ miễn phí vé tham quan phố cổ và làng nghề vào ngày 4-12

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) và 23 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2022), 5 năm nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể (7/12/2017-7/12/2022), tỉnh Quảng Nam sẽ miễn phí vé tham quan Khu phố cổ Hội An và các làng nghề truyền thống vào ngày 4-12.

Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Ít ai biết được trước khi có tên là Hội An thì đô thị này còn có một tên gọi khác là Faifo. Tên gọi này có thể bắt đầu được sử dụng bởi các thương nhân Bồ Đào Nha từ nửa đầu thế kỷ 16, bước sang thế kỷ 17, 18 thì dần phổ biến hơn. Xét theo nghĩa rộng, Faifo có nghĩa là không gian địa lý bao gồm các cửa biển, hải cảng và các bến, chợ, nơi quy tụ hàng hóa, sản phẩm. Còn theo nghĩ hẹp thì Faifo chỉ là khu vực mà ngày nay là Phố cổ Hội An. Năm 1999, Hội An chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Từ đó trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà cổ, những bức tường và cả những con đường. Dù đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ xưa, trầm mặc rêu phong trên từng mái ngói, hàng cây…

Hội An để lại ấn tượng cho du khách bởi nét cổ kính, trầm mặc. Ảnh: Phương Vi
Hội An để lại ấn tượng cho du khách bởi nét cổ kính, trầm mặc. Ảnh: Phương Vi

Bên cạnh những phong tục tập quán bản địa của người Việt còn có thêm những phong tục tập quán của cộng đồng cư dân nước ngoài đến định cư như: tục thờ đá, thờ cá Ông của ngư dân ven biển. Ngoài ra, người Hội An cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội hay sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác như Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung thu,… Đặc biệt là ngày rằm 14, 15 Âm lịch hàng tháng. Du khách đến Hội An cũng có dịp trải nghiệm các hoạt động dân gian: bài chòi, hò khoan, hò giả gạo…

Được biết, chương trình nghệ thuật “Hội An-Sắc màu của lụa” cũng sẽ được trình diễn vào ngày 26-11 để chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam. Trong tháng 12 và đầu năm 2023, Hội An sẽ lần đầu tiên tổ chức lễ hội văn hóa trà và hội trại sáng tác nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật đương đại, nghệ thuật sắp đặt từ nguyên vật liệu tái sinh mang chủ đề Con đường nghệ thuật-Sắc màu hội tụ.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm