Hội chẩn trực tuyến: Còn nhiều trở ngại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội chẩn trực tuyến giữa bệnh viện tuyến dưới với bệnh viện tuyến trên đã mở ra cơ hội để các chuyên gia y tế đầu ngành ở Trung ương trực tiếp hướng dẫn bác sĩ bệnh viện tuyến dưới xử lý các ca bệnh khó, giúp cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, để guồng máy trên vận hành suôn sẻ thì vẫn cần một hành lang pháp lý rõ ràng.

Thêm cơ hội cứu sống người bệnh

Để thực hiện được hội chẩn trực tuyến, các bệnh viện tuyến dưới và tuyến trên sẽ được trang bị mỗi nơi một phòng hội chẩn (như phòng họp trực tuyến-P.V). Các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới sẽ trình bày hồ sơ bệnh án, các kết quả chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng, tình trạng bệnh nhân… Sau đó, qua hệ thống camera truyền hình ảnh trực tiếp, hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia bệnh viện tuyến trên sẽ hội chẩn, cùng góp ý, trao đổi giúp các bác sĩ tuyến dưới ra chỉ định điều trị tốt nhất cho người bệnh.

 

Quang cảnh một ca hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai với Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.P

Tại Gia Lai, từ tháng 7- 2011, được sự tài trợ của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống “chẩn đoán-chữa bệnh từ xa” trực tuyến. Theo đó, có 3 bệnh viện chuyên sâu tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hỗ trợ chẩn đoán trực tuyến cho các bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Bệnh viện Đa khoa An Giang và Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay, thời điểm năm 2011, khi Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh lắp đặt, bàn giao hệ thống thiết bị phòng hội chẩn trực tuyến đã mở ra một cơ hội lớn cho bệnh viện được tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành và các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị. Đến nay bệnh viện đã thực hiện được 2 ca chẩn đoán trực tuyến với các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, 1 ca sản với sự giúp sức, tư vấn hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Từ Dũ đã thành công tốt đẹp, giúp cứu sống bệnh nhân. Còn 1 ca bệnh nhi hội chẩn với các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 thất bại do phía Bệnh viện Nhi đồng 1 sau khi hội chẩn trả lời đây là ca bệnh hiếm gặp, họ chưa từng xử lý trường hợp tương tự.

Cùng trong xu thế đó, Viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) đã thực hiện thành công nhiều trường hợp hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Bùi Xuân Hữu-Giám đốc Viện Quân y 211 cho biết: “Mấy năm trước chúng tôi đã triển khai hội chẩn trực tuyến, nhờ các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện 175 giúp đỡ nên xử lý thành công nhiều ca bệnh khó. Thời gian gần đây việc hội chẩn trực tuyến bị gián đoạn do đường truyền gặp trục trặc, đang chờ nâng cấp”.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, việc hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh được triển khai khá thuận lợi. Bác sĩ Nguyễn Thi-Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay: Mỗi năm bệnh viện đã thực hiện được hơn chục ca hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đối với các ca bệnh khó, khi bệnh viện có yêu cầu trợ giúp về chuyên môn thì phía Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh bố trí các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành sẵn sàng sau 5 phút là “lên sóng” hỗ trợ trực tuyến cho các bác sĩ ở Gia Lai.

Thấy được triển vọng của phương pháp hỗ trợ khám-chữa bệnh trực tuyến, mới đây Sở Thông tin và Truyền thông đã trình UBND tỉnh “Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống hỗ trợ khám-chữa bệnh từ xa qua mạng”. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2018. Tổng kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tham vọng của dự án là liên thông hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tất cả các cơ sở điều trị tuyến huyện, xã trong tỉnh. Để làm được điều đó, dự án sẽ đầu tư hệ thống phòng trực tuyến trung tâm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phòng trực tuyến tại Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa và 15 Trung tâm Y tế huyện còn lại; đồng thời, kết nối internet với tất cả các trạm y tế xã.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Xây dựng hệ thống hội chẩn trực tuyến không chỉ phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị cho tuyến dưới mà còn giúp ngành Y tế trong việc chỉ đạo tuyến, tổ chức hội nghị giao ban, các hội thảo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tiết kiệm rất nhiều chi phí đi lại cho các Trung tâm Y tế huyện. Sở Y tế mong muốn dự án sẽ được thực hiện sớm trong giai đoạn 2017-2018 để kịp phát huy hiệu quả”.

Cần một hành lang pháp lý

Mặc dù hiệu quả thiết thực của hội chẩn trực tuyến đã rõ, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế đang gặp rất nhiều trở ngại. Ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hệ thống vận hành từ tháng 7-2011 đến nay cũng mới chỉ thực hiện được 2 ca hội chẩn trực tuyến. Theo ông Văn Thành Tâm-Trưởng phòng Công nghệ Thông tin của bệnh viện thì: “Giải pháp kỹ thuật không có trở ngại gì, chất lượng đường truyền hình ảnh và âm thanh trực tuyến cực tốt. Chúng tôi đã thử nghiệm thành công và có thể hội chẩn trực tuyến tại giường bệnh”. Lý do của sự gián đoạn hội chẩn trực tuyến theo giải thích của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là vì: “Bác sĩ điều trị không có yêu cầu”!

Trên bình diện toàn quốc, ngay từ năm 2004, Bệnh viện Việt Đức và sau đó từ năm 2010 là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã triển khai dự án “Hỗ trợ khám-chữa bệnh, chẩn đoán từ xa”, kết nối với hệ thống các bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh ở phía Bắc. Kết quả cho thấy, hội chẩn trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là đối với những bệnh nhân ở các vùng xa xôi được sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành mà không phải đến tận nơi.

Nhưng vì sao một phương thức chữa bệnh tối ưu như vậy lại chưa được triển khai rộng rãi ở Việt Nam, và hiện nay vẫn chưa được áp dụng thường xuyên? Mới đây, trả lời báo chí về vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Bình Giang-Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho rằng: Về mặt hành lang pháp lý, hiện nay vẫn chưa có chế tài về vấn đề này. Nhiều người tỏ ra lo ngại, khi có trục trặc kỹ thuật hay khi bệnh nhân tử vong hoặc có tai biến thì trách nhiệm thuộc về bộ phận nào là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Về kinh phí, mỗi một ca hội chẩn trực tuyến ở Mỹ có thể được trả hàng ngàn đô la trong khi các ca hội chẩn ở Việt Nam vẫn chưa hề có một nguồn kinh phí hỗ trợ nào. Chất xám của các chuyên gia đầu ngành chưa được trả công xứng đáng. Hiện nay, họ chỉ mới làm việc dưới hình thức “từ thiện” cho dự án, nhưng về lâu dài, không thể sử dụng không công chất xám của họ. Ngoài ra, chi phí cho đường truyền hiện nay các bệnh viện cũng phải đứng ra trả. Vấn đề là, Nhà nước tài trợ hay bệnh nhân chi trả cho những ca tư vấn phẫu thuật trực tuyến. Phương án bệnh nhân trả, gần như là điều không thể. Còn Nhà nước thì đến nay vẫn chưa có cơ chế về tài chính mà các bệnh viện chủ yếu sử dụng ngân sách của bệnh viện. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện không thể chạy “dài hơi” cho dự án này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang nói: “Chúng ta đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, chúng ta có các chuyên gia đầu ngành, không thua kém các nước trên thế giới. Những rõ ràng là chúng ta còn thiếu cơ chế và một hành lang pháp lý để phổ biến vấn đề này”.

Có lẽ nhận định trên cũng chính là câu trả lời cho sự “rụt rè” của các bệnh viện trong việc triển khai khám-chữa bệnh trực tuyến góp phần thực hiện đề án “Bệnh viện vệ tinh” mà Bộ Y tế đang triển khai.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm