Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III: Hấp dẫn, chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Qua 3 lần khai hội, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022 đã ngày càng cho thấy tính chuyên nghiệp, bài bản trong công tác tổ chức, mang đến một sản phẩm du lịch hấp dẫn của huyện vùng biên Ia Grai (tỉnh Gia Lai) gắn với truyền thống văn hóa-lịch sử địa phương.

Trong 2 ngày 5 và 6-11, tại bãi bồi làng Dăng (xã Ia O), UBND huyện Ia Grai tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022. Hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã hào hứng tham gia để được hòa mình vào không khí lễ hội, trong tiếng cồng chiêng rộn rã.

Các đội đua so kè nhau về đích. Ảnh: Lam Nguyên
Các đội đua so kè nhau về đích. Ảnh: Lam Nguyên



Ngày hội vùng biên

Phát biểu tại lễ khai mạc sáng 5-11, ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-khẳng định: “Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô được tổ chức nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của cư dân sống lâu đời trên địa bàn huyện. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những chiếc thuyền độc mộc đã trở thành phương tiện vận chuyển lương thực, đưa hàng ngàn bộ đội ta cùng vũ khí đạn dược qua sông đánh giặc, góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, những chiếc thuyền độc mộc vẫn được người dân dùng làm phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản trên sông. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng cũng là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách những điểm du lịch đẹp tại địa phương”.

Ngay sau tiếng trống khai hội, 30 đội đăng ký đua thuyền đã tham gia phần thi được mong đợi nhất. Theo quy định, mỗi lượt thi có 6 đội, mỗi đội gồm 2 vận động viên nam phải vượt qua chặng đua có cự ly 1.400 m. Tại khu vực bãi bồi, khán giả tràn xuống đông nghịt, cổ vũ nhiệt tình. Với những động tác khỏe khoắn, dứt khoát, nhịp nhàng, các tay chèo khéo léo đẩy thuyền lao vun vút trên mặt sông như những mũi tên xé nước, so kè nhau từng chút một để giành chiến thắng. Năm nay, ngoài những đội đua trong huyện, hội thi còn có sự tham gia của các đội bạn đến từ huyện Đức Cơ và huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum) nên thu hút đông đảo cổ động viên. Tiếng reo hò, cổ vũ vang dội một vùng.

 Khán giả đổ về khu vực bãi bồi để theo dõi, cổ vũ các đội thi. Ảnh: Lam Nguyên
Khán giả đổ về khu vực bãi bồi để theo dõi, cổ vũ các đội thi. Ảnh: Lam Nguyên


Dù khuyết tật, phải di chuyển bằng nạng nhưng chị Phạm Thị Hải Lý (xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai) vẫn không ngại xuống tận mép nước để được chứng kiến màn so tài hấp dẫn. “Lần đầu tiên đội nhà tham gia đua thuyền tại đây nên tôi cùng bạn bè đến cổ vũ. Không khí hội thi rất vui, rất sôi nổi”-chị Lý cười rạng rỡ nói.

Diễn ra đồng thời với nội dung đua thuyền là Liên hoan văn hóa cồng chiêng với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân đến từ 13 xã, thị trấn trong huyện. Vòng tròn khán giả bao quanh sân khấu chính của lễ hội để được say cùng tiếng cồng chiêng vang vọng, điệu xoang nhịp nhàng, những tiết mục biểu diễn vui nhộn của nhân vật rối. Nhiều khán giả cũng bị thu hút bởi văn hóa truyền thống Tây Nguyên thông qua phần thi tạc tượng gỗ dân gian.

Năm nay, cô giáo Lê Nhơn (Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O) đưa 40 học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại lễ hội này. Cô hào hứng chia sẻ: “Nhà trường đưa học sinh đến đây với mong muốn giúp các em trải nghiệm, hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc ở địa phương mình sinh sống, ngoài ra tìm hiểu về lịch sử địa phương với hình tượng Anh hùng A Sanh”. Lần đầu tiên được tham gia một chương trình quy mô và thu nhận những cảm xúc hết sức chân thật, em Nguyễn Quỳnh Anh (lớp 7A1) bày tỏ: “Em tự hào về truyền thống văn hóa của địa phương thông qua hội cồng chiêng và đua thuyền. Đến đây, em có cơ hội hiểu biết, học tập tốt hơn, nhất là các môn khoa học xã hội”.

Dịp này, 28 gian hàng tại hội chợ nông sản địa phương cũng được khai trương. Du khách tham quan những gian hàng trưng bày thổ cẩm, gùi trang trí bằng vật liệu tái chế, trái cây đặc sản… hay những sản phẩm tinh túy của địa phương như: cá cơm sông Sê San, măng tre, măng nứa, măng lồ ô. Cạnh đó là những gian hàng ẩm thực hấp dẫn với cơm lam, gà nướng, gà bó xôi, các loại bánh gói lá…

Quảng bá du lịch hiệu quả

Theo đánh giá của nhiều du khách, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022 do huyện Ia Grai tổ chức đã rất thành công nhờ công tác tổ chức chỉn chu, kỹ lưỡng, tạo ấn tượng đẹp cho người tham gia trải nghiệm, góp phần quảng bá rất tốt cho du lịch huyện nhà.

 

 Phần thi tạc tượng gỗ dân gian góp phần khẳng định sắc màu văn hóa truyền thống tại lễ hội. Ảnh: Lam Nguyên
Phần thi tạc tượng gỗ dân gian góp phần khẳng định sắc màu văn hóa truyền thống tại lễ hội. Ảnh: Lam Nguyên
Ngày 6-11, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022 đã bế mạc. Theo đó, ở nội dung đua thuyền, giải nhất, nhì, ba (hạng A) lần lượt thuộc về các đội: huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum), làng Bi, làng Dăng (xã Ia O). Các giải nhất, nhì, ba (hạng B) được trao cho đội Ban Chỉ huy Quân sự 2, xã Ia Pếch và làng Bi Ia Yom (xã Ia Krai). Ở nội dung cồng chiêng, Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba cho các xã: Ia Tô, Ia Dêr, Ia Yok. Ở nội dung tạc tượng, giải nhất và ba thuộc về các nghệ nhân xã Ia Khai; giải nhì được trao cho các nghệ nhân xã Ia Tô.

Là người kinh doanh lĩnh vực lưu trú tại thành phố du lịch Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), anh Hoàng Chính Quốc chia sẻ cảm xúc: “Thật vui khi đến đây đúng dịp lễ hội. Đây là lần đầu tiên tôi được xem đua thuyền độc mộc, được hòa vào tiếng cồng, tiếng chiêng. Khung cảnh, không khí rất náo nhiệt; công tác tổ chức chỉn chu, bài bản. Tôi nghĩ năm tới lượng du khách đổ về sự kiện này sẽ còn đông hơn nữa”. Trong khi đó, chị Rơ Chăm Mỹ Uyên (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) đánh giá cao công tác đảm bảo vệ sinh môi trường của Ban tổ chức khi bố trí hợp lý các thùng rác và nhà vệ sinh công cộng, mang lại cảm giác thoải mái cho du khách. Theo ghi nhận của P.V, vấn đề ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra tại các mùa lễ hội trước cũng đã được xử lý khá tốt.  

Đúng như kỳ vọng trước đó của lãnh đạo địa phương, nhân mùa lễ hội, nhiều du khách đến với Ia Grai còn lên lịch ghé thăm các điểm đến đã có “thương hiệu” của huyện như: làng chài trên lòng hồ, thác Mơ, Bến đò A Sanh, Khu di tích chiến thắng Chư Nghé, thác Chín Tầng, thác Ba Tầng…

Ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội-cho biết: “Sau lễ hội này, chúng tôi sẽ xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị thuyền độc mộc gắn với ca ngợi chiến công của Anh hùng A Sanh trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, qua đó tiếp tục quảng bá hiệu quả về loại hình du lịch văn hóa-lịch sử của huyện nhà đến với đông đảo du khách”.

 

 LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm