Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 16-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, điều hành Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Dung
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Dung
Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá của Chính phủ. Công tác này cần phải được tạo điều kiện về nhân lực, nguồn lực tài chính-ngân sách hợp lý nhằm nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản và thể chế, chính sách. Các bộ, ngành, địa phương luôn phải sát sao, quyết liệt đối với công việc, tháo gỡ, kịp thời những vướng mắc và có những đề xuất, kiến nghị sâu sắc, phù hợp với thực tiễn nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy kinh tế-xã hội của từng địa phương và đất nước ngày càng phát triển.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, trên tinh thần phân cấp, phân quyền và quy định rõ trách nhiệm. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cũng như cơ chế thuận lợi để các địa phương thực hiện phù hợp với đặc thù của từng địa phương, có bước phát triển đột phá trong thời gian tới; đồng thời giúp các bộ, ngành thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành. 
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã đề xuất các bộ, ngành cần có định hướng ưu tiên điều chỉnh kịp thời các quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hoặc gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật ở địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất trong quan điểm hướng dẫn, xử lý các vụ việc phát sinh khi chưa có quy định điều chỉnh hoặc các văn bản điều chỉnh có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, cần có một nguyên tắc chung để giải quyết vấn đề này, tránh tình trạng không thống nhất quan điểm trong xử lý vụ việc ở địa phương và các cơ quan kiểm tra, giám sát, theo dõi dẫn đến kéo dài, tạo sự lúng túng và áp lực cho các cơ quan địa phương. Tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị các bộ, ngành cần tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo việc xác định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã rõ ràng, thống nhất giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế quy định về tổ chức pháp chế ở các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Từ đầu tháng 4-2021, sau khi Chính phủ được kiện toàn, trên cơ sở kế thừa những thành tựu về xây dựng và hoàn thiện thể chế của các nhiệm kỳ trước, Chính phủ tiếp tục xác định công tác quan trọng này là nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể như: người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xây dựng và hoàn thiện thể chế; cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế; làm sao để thể chế là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển, trong đó phát huy tối đa nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử; rà soát những vướng mắc của thể chế từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ kiểm tra giám sát, quy định trách nhiệm, cắt giảm các thủ tục hành chính…
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm