(GLO)- Ngày 2-10, Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV (mở rộng) tiếp tục thảo luận về chủ đề, phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và dự thảo đề cương báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; đồng thời thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng theo quy chế.
Nhiều ý kiến tâm huyết
Tại hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông qua Tờ trình số 31-TTr/TU ngày 30-9-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất chủ đề và phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và dự thảo đề cương báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Theo đó, chủ đề của đại hội được đề xuất là “Xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh; tăng cường sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo; tập trung phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và du lịch để Gia Lai phát triển nhanh, bền vững”. Chủ đề này được xác định dựa trên quan điểm tiếp thu, chọn lọc dự kiến chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kế thừa quan điểm chủ đề của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; xuất phát từ tình hình thực tiễn và xu hướng, dự báo phát triển của tỉnh trong thời gian tới; thể hiện rõ mục tiêu, trọng tâm xuyên suốt, động lực phát triển toàn diện, chủ trương đột phá lớn trong nhiệm kỳ tới; đồng thời phải ngắn gọn, súc tích, có tính khái quát cao, tập trung nêu bật 5 thành tố cơ bản về Đảng, dân tộc, đổi mới, bảo vệ Tổ quốc và mục tiêu.
Phương châm (khẩu hiệu) đại hội là những tiêu chí chính để chỉ đạo trong suốt quá trình tổ chức đại hội. Vì vậy, trên cơ sở dự kiến phương châm Đại hội XIII của Đảng, Tiểu ban Nội dung Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề xuất phương châm đại hội là “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”. Riêng báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất lựa chọn kết cấu báo cáo theo kiểu kết hợp thay cho kiểu truyền thống (kết cấu ngang), gồm 3 phần: đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020); quan điểm, mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025; nhiệm vụ và giải pháp.
Tham gia thảo luận, hầu hết đại biểu đều thống nhất cao với chủ đề, phương châm đại hội và đề cương báo cáo chính trị mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề xuất. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tâm huyết cũng được nêu ra tại hội nghị nhằm xây dựng, hoàn thiện văn kiện chính trị quan trọng của đại hội phù hợp với thực tiễn và mục tiêu phát triển của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Về chủ đề, thành tố thứ 5 “tập trung phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và du lịch” được nhiều đại biểu góp ý, bổ sung nhất. Bí thư Huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên cho rằng, Gia Lai là một tỉnh nông nghiệp nên lâu nay chúng ta vẫn tập trung cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, để nền nông nghiệp phát triển mang tính đột phá thì nên thêm 3 từ “công nghệ cao” vào sau cụm từ “tập trung phát triển nông nghiệp” để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Đồng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Ngô Khắc Ngọc phân tích thêm: “Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào nội dung đó khi phát triển nông nghiệp”. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương Bùi Khắc Quang. Riêng Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh thì bày tỏ sự băn khoăn: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu, song bắt buộc phải có nguồn vốn, sản phẩm phải có thị trường tiêu thụ và đòi hỏi người tiêu dùng cũng phải có tài chính để mua vì giá thành sản phẩm sẽ cao hơn. Trong khi đó, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và người dân, hợp tác xã nói chung hiện còn rất hạn chế”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cũng nêu quan điểm: “Xu hướng chung của thế giới và nước ta đang hướng đến công nghệ 4.0. Nếu trong chủ đề chúng ta không đề cập đến 4.0 thì không thể tập trung phát triển theo kịp các địa phương khác trên cả nước. Tôi nghĩ nên bổ sung nội dung tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên các lĩnh vực vào chủ đề”. Một số ý kiến khác cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tiểu ban Nội dung nghiên cứu bổ sung thêm vào chủ đề đại hội các nội dung như: phát triển công nghiệp năng lượng sạch; ưu tiên công nghiệp chế biến; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới; tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng…
Góp ý cho phương châm đại hội, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Dương Văn Tuấn đề nghị bỏ cụm từ “sáng tạo” và thêm vào 2 cụm từ “trách nhiệm”, “hiệu quả” để đề cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cũng như nhấn mạnh tính hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội. “Sáng tạo, phát triển là tốt nhưng phải hiệu quả. Bởi lẽ trước đây, chúng ta từng thực hiện nhiều dự án cũng sáng tạo, cũng phát triển nhưng với tỉnh lại không hiệu quả như: thủy điện An Khê-Ka Nak, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su…”-ông Tuấn dẫn chứng.
Đối với dự thảo đề cương báo cáo chính trị, các đại biểu cũng thảo luận bổ sung một số nội dung liên quan đến ưu điểm, khuyết điểm, nhiệm vụ, giải pháp… để văn kiện được sát với thực tế và toàn diện hơn. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã ghi nhận toàn bộ các ý kiến của đại biểu nêu ra tại hội nghị; đồng thời giao Tiểu ban Nội dung cùng bộ phận giúp việc của tiểu ban này tiếp thu, tu chỉnh và tiếp tục xin ý kiến theo kế hoạch.
Chất vấn thẳng thắn, dân chủ
Gợi ý chất vấn tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu lên những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và xoay quanh tình hình triển khai, tiến độ thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư cũng như dự án Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (mở rộng) đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục bám sát nội dung các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong 3 tháng còn lại.
|
Cụ thể, Ban cán sự UBND tỉnh chậm ban hành kế hoạch, đề án để thực hiện Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; chậm hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, vấn đề quản lý, bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả như mong muốn; tình trạng phá rừng, mất rừng vẫn còn. “Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương ở đâu? Phải chăng đã sinh ra chuyện nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, thiếu quyết liệt? Để rừng bị xâm hại, trách nhiệm thuộc về ai? Những người được giao nhiệm vụ tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các cấp, ngành, địa phương mà còn tiêu cực thì chắc chắn rừng còn mất”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh cho biết: “Lực lượng Kiểm lâm địa bàn mỏng; kết nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và kiểm lâm không hiệu quả, chất lượng tham mưu không đến nơi đến chốn; người dân nhận thức kém, vô tư phá rừng làm nương rẫy… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng. Thiết nghĩ, nếu để ngành Nông nghiệp và lực lượng Kiểm lâm một mình tác chiến thì sẽ không đạt hiệu quả. Nên chăng, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, củng cố lại các đoàn liên ngành, trong đó có sự tham gia của lực lượng Công an, quân sự...; cấp ủy các xã cũng cần ra nghị quyết về công tác giữ rừng để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện”.
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng chỉ ra một số dự án chậm trễ trên địa bàn tỉnh như: chợ đầu mối TP. Pleiku, Trung tâm Thương mại Pleiku, kè chống sạt lở suối Hội Phú; tổ hợp thương mại hiện đại tại số 02 Lê Lợi (Khách sạn Hùng Vương cũ), Hoàng Nhi Plaza, đường Lý Tự Trọng nối dài, đường nội thị TP. Pleiku kèm theo dự án đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, siêu thị nội thất và khu dân cư mới tại 51 Lý Nam Đế, Khu Công nghiệp Nam Pleiku, khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (thuộc TP. Pleiku); dự án của Công ty cổ phần Nafoods Group (Nghệ An); trung tâm trưng bày, bảo hành và bảo trì ô tô do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đầu tư; chợ Kbang; khu điều trị chất lượng cao… Trên cơ sở phân tích những hạn chế, yếu kém, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành cần phải rà soát lại và xem xét việc thu hồi, kêu gọi nhà đầu tư khác đối với những dự án “treo” quá lâu; tuyệt đối không gây tổn thất, thiệt hại cho Nhà nước. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan cũng đã giải trình, làm rõ nguyên nhân những tồn tại, vướng mắc của từng dự án; đồng thời kiến nghị, đề xuất phương án tháo gỡ.
HỒNG THI