(GLO)- Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, chiều 6-12, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng) đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Bên cạnh đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, hội nghị đã tập trung thảo luận, thông qua các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2022 và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.
19/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo ước thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021. Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch có hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự ước có 19/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản ước đạt 100,33% kế hoạch (tăng 1,29% so với năm 2020); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 100% kế hoạch (tăng 10,13%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 100% kế hoạch (tăng 5,17%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 100% Nghị quyết (tăng 2,42 lần so với năm trước). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 7.170,9 tỷ đồng (tăng 54,93% so với Nghị quyết). Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh đạt kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có bước phát triển. Tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững ổn định an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Song song với đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng được tổ chức thực hiện hiệu quả. Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được chú trọng, đảm bảo kịp thời, đúng quy trình, quy định; đôn đốc công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy. Tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh kết nạp được 1.844 đảng viên (đạt 3,02%, vượt chỉ tiêu đề ra), nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 62.959 người; có 1.438 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy (chiếm 91,24%, vượt chỉ tiêu đề ra); 1.208 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên (đạt 76,65%); 498 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (chiếm 31,6%).
Cùng với đó, chương trình kiểm tra, giám sát năm 2021 được chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tích cực gắn với phát triển kinh tế-xã hội và phòng-chống dịch Covid-19. Chính quyền các cấp tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; triển khai đồng bộ, toàn diện kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở...
Tập trung “gỡ khó”, tạo tiền đề cho năm 2022
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, dự ước đến cuối năm, có 6/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội không đạt, gồm: số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), số địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tỷ lệ hộ nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hầu hết đại biểu cho rằng, những chỉ tiêu không đạt chủ yếu đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, cần sớm đề ra những giải pháp khắc phục, làm tiền đề để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác trong năm tiếp theo.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thẳng thắn nhìn nhận: Thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ở các cấp, ngành vẫn còn biểu hiện thụ động, chưa thật sự sáng tạo, thiếu quyết liệt. Thêm vào đó, hoạt động kinh tế chịu thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19; một số hoạt động trên lĩnh vực văn hóa-xã hội phải tạm dừng hoặc thay đổi phương thức tổ chức cho phù hợp nên tiến độ thực hiện chậm, kết quả hạn chế. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá, đề xuất giải pháp cụ thể, nhất là các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất trong năm 2022.
Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thông tin: Dự kiến cuối năm 2021, toàn tỉnh có thêm 13 xã và 86 thôn, làng đạt chuẩn NTM. So với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong năm 2021 tuy không đạt (100/107 xã và 0/2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM) nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung ở khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao khiến đời sống, thu nhập của người dân gặp khó. Mặt khác, vốn đầu tư cho xây dựng NTM đến nay Trung ương vẫn chưa phân bổ cho tỉnh, vì thế tỉnh chưa thể phân bổ cho các địa phương để triển khai thực hiện.
Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, số đối tượng thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế giảm sâu dẫn đến chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2021 không đạt so với Nghị quyết đề ra. “Đây là vấn đề mà hầu hết địa phương trong tỉnh đều gặp khó. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn dân, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho các đối tượng bị tác động, nhất là người dân tộc thiểu số còn khó khăn”-Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến đề xuất.
Một số đại biểu cũng kiến nghị tỉnh nên sớm phân bổ vốn đầu tư công để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân. Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh nêu ý kiến: “Bên cạnh một số dự án còn vướng trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, việc tỉnh giao vốn chậm kéo theo nhiều dự án phải triển khai vào dịp cuối năm, rơi vào thời điểm mưa bão dẫn đến việc thi công chậm tiến độ”.
Liên quan đến khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái cho hay: Một số địa phương, đơn vị phát triển đảng viên đạt thấp như: Phú Thiện, Chư Sê… Nguyên nhân là do cấp ủy tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức. Cá biệt, có nhiều tổ chức cơ sở Đảng còn chưa nắm rõ quy trình, phương thức tạo nguồn, phát triển đảng viên. Do đó, cần sớm có sự chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian đến.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2022: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,65%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,44 triệu đồng; 7 xã đạt chuẩn NTM (lũy kế đạt 107 xã), 2 huyện đạt chuẩn NTM; kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.827 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 40 ngàn tỷ đồng; 26.200 lao động được giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58,8%; 93% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) đạt 47,15%. Ngoài ra, có 80% trở lên tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; 95% chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy; 80% trở lên đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; tỷ lệ kết nạp đảng viên/tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ đạt 3% trở lên… |
Qua thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, tiếp tục nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin toàn dân; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu trong phòng-chống dịch. Ngoài ra, một số vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ; đảm bảo an toàn giao thông đường bộ; quản lý, bảo vệ và trồng rừng; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho các công ty lâm nghiệp; hiệu quả hoạt động của các chốt phòng-chống dịch; kêu gọi và thu hút đầu tư tại các địa phương; việc triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời, chăn nuôi trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự… cũng được các đại biểu nêu lên tại hội nghị.
Căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan dự kiến chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Tại hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành phân tích, giải trình làm rõ về cơ sở xây dựng các chỉ tiêu, các đại biểu đã cho ý kiến bằng phiếu; đồng thời thống nhất thông qua các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022. “Đây là những chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, có tính định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển toàn diện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Yêu cầu các cấp ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn trực thuộc căn cứ tình hình cụ thể chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo hiệu quả, có giá trị trong thực tiễn”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
HỒNG THI