(GLO)- Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng) diễn ra ngày 4-7 đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022; đồng thời cho ý kiến đối với việc thực hiện 2 nghị quyết của Tỉnh ủy liên quan đến công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Nhiều giải pháp được đưa ra bàn thảo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Tập trung phục hồi kinh tế-xã hội
Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng-chống dịch và nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; trong đó có việc tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022). Kinh tế-xã hội của tỉnh dần phục hồi và phát triển; nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Thanh Bình báo cáo công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng 6 tháng đầu năm tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn thông tin: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 6,87%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu… đều tăng so với cùng kỳ năm 2021; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc.
Tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Công tác phòng-chống dịch Covid-19 gắn với y tế dự phòng, giám sát tình hình dịch bệnh và triển khai tiêm vắc xin phòng dịch được chú trọng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các đơn vị, địa phương tránh chạy theo thành tích trong công tác giảm nghèo. Ảnh: Đức Thụy |
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác tuyên giáo, kiểm tra, giám sát, dân vận tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả nhất định.
Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, quy định; tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tính đến ngày 15-6, toàn tỉnh kết nạp được 646 đảng viên; xây dựng thêm 16 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy; đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng, 9 đảng viên và xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, ngày càng đảm bảo thực chất, hiệu quả. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19.
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước đề xuất nên có sự tham gia của các nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, bên cạnh kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021; thực hiện và giải ngân xây dựng cơ bản chậm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm; giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, trật tự an toàn xã hội, tình trạng đầu cơ, thổi giá, thu gom-phân lô bán nền đất nông nghiệp vẫn còn tiếp diễn nhưng chưa được xử lý triệt để; tai nạn giao thông tuy giảm số vụ, số người chết nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 giảm 17 bậc, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giảm 21 bậc so với 2020. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng trong Đảng và dư luận ngoài xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời...
“Tôi đề nghị các đồng chí tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế nêu trên; từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho biết: Tính đến ngày 30-6, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.100 tỷ đồng (đạt 53,3% chỉ tiêu Nghị quyết, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2021). Một số huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu dự toán ngân sách được giao như: Ia Grai, Chư Pưh, Đak Đoa.
Để đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2022, chúng ta cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương về phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường giải pháp quản lý, điều hành ngân sách một cách linh hoạt, khai thác hiệu quả tất cả nguồn thu, trong đó có nguồn thu từ việc bán hàng qua mạng internet.
Chi tiêu cần tiết kiệm, giảm các khoản chi không cần thiết; đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai các dự án, kể cả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giao đất, cho thuê đất vì đây là nguồn thu ổn định, giúp tỉnh có được sự đột phá trong thu ngân sách.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng nêu các giải pháp về thu ngân sách. Ảnh: Đức Thụy |
Lý giải nguyên nhân khiến chỉ số SIPAS và PAR Index giảm sâu, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến phân tích: Năm 2021, việc giải quyết thủ tục hành chính của một số cấp, ngành có sự trễ hẹn; ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cũng giảm so với năm 2020.
Thêm vào đó, điểm số thẩm định đánh giá năm 2021 của tỉnh tăng nhưng điểm điều tra xã hội học lại giảm. Sở Nội vụ đã báo cáo cụ thể với UBND tỉnh để tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm, phấn đấu nâng cao các chỉ số này trong năm 2022.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến lý giải nguyên nhân các chỉ số SIPAS và PAR Index năm 2021 của tỉnh có sự giảm sâu so với năm 2020. Ảnh: Đức Thụy |
Tiếp tục giảm nghèo, phát triển cây dược liệu
Hội nghị lần này còn tập trung xem xét, cho ý kiến đối với 2 dự thảo báo cáo: Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 3-7-2019 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh nhìn nhận: “Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, công tác giảm nghèo trên địa bàn thị xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, mức giảm khá sâu, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Cuối năm 2021, thị xã còn 75 hộ DTTS nghèo, giảm 709 hộ so với năm 2017. Người nghèo đã tiếp cận đầy đủ hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Bí thư Thị ủy Ayun Pa cũng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng công trình thủy lợi Ia Rtô nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh thông tin về kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ TU ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy trên địa bàn. Ảnh: Đức Thụy |
Thời gian qua, huyện Kông Chro đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, địa phương vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Bí thư Huyện ủy Phan Văn Trung cho hay: “Tỷ lệ người DTTS cao, mặt bằng dân trí thấp, việc tiếp cận công nghệ hiện đại còn hạn chế; một số tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại; đất đai kém màu mỡ... Thêm vào đó, việc đầu tư cho huyện nghèo mặc dù được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, nhu cầu của dân khá lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế cũng khiến công tác giảm nghèo của huyện chưa thể có được bứt phá”.
Các đại biểu cũng nhìn nhận, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, kết quả giảm nghèo tuy khả quan nhưng chưa thật sự bền vững; chênh lệch mức sống giữa người Kinh và người DTTS chưa được thu hẹp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị: “Các địa phương cần quan tâm rà soát số liệu cho thật chính xác về tỷ lệ hộ nghèo gắn với nhóm đối tượng thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để có kế hoạch và giải pháp giảm nghèo phù hợp, sát với thực tế. Việc giảm nghèo tránh chạy theo thành tích, không bền vững”.
Bí thư Huyện ủy Kông Chro Phan Văn Trung nêu khó khăn của địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo. Ảnh: Đức Thụy |
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, hầu hết ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu. Doanh nghiệp đầu tư vào phát triển dược liệu chưa nhiều nên đầu ra vẫn còn gặp khó, dẫn đến người dân thiếu mặn mà đối với loại cây trồng này. Ngoài ra, cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức khai thác dược liệu từ rừng tự nhiên và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang còn nhiều vướng mắc, mặc dù tiềm năng của tỉnh là rất lớn.
Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến thông tin: Kbang có diện tích rừng khá lớn; thổ nhưỡng, khí hậu tương đối thuận lợi để phát triển cây dược liệu, song việc đầu tư chưa xứng tầm. Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có 1 hợp tác xã ở Sơ Pai trồng sâm bố chính và sa nhân tím với diện tích lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đầu ra gặp khó; còn lại trồng với quy mô nhỏ lẻ và chủ yếu là bảo tồn nguồn gen.
“Rất mong các sở, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn ở lĩnh vực này, góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội và làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng”-Bí thư Huyện ủy Kbang nêu ý kiến.
Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến mong muốn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Đức Thụy |
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước cũng đề nghị: Thời gian đến, các nhà khoa học cần tham gia nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển những cây dược liệu thật sự phù hợp với từng vùng, từng địa phương.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên yêu cầu các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đối với các dự thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết số 05 và 09 của Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến tham gia tại hội nghị để tu chỉnh, hoàn thiện và ký, ban hành.
Hội nghị còn tập trung nghiên cứu các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ thuộc thẩm quyền Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2022; những công việc quan trọng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 7 đến Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. |
HỒNG THI