(GLO)- Chiều 3-11, tại tỉnh Vĩnh Long, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg, Văn phòng Đông Nam Á tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Các giá trị của chủ nghĩa xã hội".
Báo Nhân Dân thông tin: Đến dự có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh-Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; ông Philip Degenhardt-Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg, Khu vực Đông Nam Á… cùng các học giả quốc tế và trong nước, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các Học viện, các Viện, các trường, các khoa và đại diện lãnh đạo, các sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Long…
(Ảnh: BÁ DŨNG)/Báo Nhân Dân |
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cùng nhau tập trung thảo luận về những vấn đề: Các cách tiếp cận về chủ nghĩa xã hội với tư cách là một hệ giá trị; các giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội như giàu mạnh, công bằng, bình đẳng, dân chủ, tự do...; mối quan hệ giữa các giá trị chủ nghĩa xã hội và giá trị quốc gia dân tộc; các góc nhìn và kinh nghiệm quốc tế về giá trị của chủ nghĩa xã hội; về giá trị của chủ nghĩa xã hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh-Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, trong các tác phẩm của mình, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã luận chứng thuyết phục về sự ra đời một chế độ xã hội mới là chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa với tư cách nấc thang phát triển cao hơn chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: Trên cơ sở liên hiệp của những người lao động dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng, giai cấp cách mạng sau khi giành được quyền lực chính trị sẽ bắt tay vào kiến tạo một chế độ xã hội mới. Trong xã hội mới đó sẽ không còn áp bức, bóc lột. Trong xã hội mới đó, bình đẳng, dân chủ, công bằng được thiết lập; quản lý sản xuất phù hợp với kế hoạch đã đặt ra theo các nguồn lực và nhu cầu thực tế; sản xuất phát triển, đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng cao của mọi thành viên trong xã hội... Đó cũng chính là những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, đồng thời là cơ sở hiện thực để các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện mục tiêu giải phóng và phát triển con người, phát triển xã hội một cách toàn diện và triệt để.
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, từ khi xuất hiện nước Nga Xô viết-Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đến nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có lịch sử hơn 100 năm. Trong khoảng thời gian đó, phong trào chủ nghĩa xã hội đã trải qua không ít thăng trầm và khó khăn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, phong trào chủ nghĩa xã hội đã và vẫn đang tiếp tục có nhiều đóng góp giá trị vào lịch sử phát triển của nhân loại, vào sự tiến bộ xã hội của nhân loại. Chính những giá trị ấy sẽ kết thành nền tảng, thành động lực cho sự phát triển của mỗi quốc gia trên con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn.
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam đã và đang tiếp tục kiên định con đường xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với nguyện vọng và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam đang nỗ lực xây đắp, hiện thực hóa và bảo vệ những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tài Đông-Viện trưởng Viện Triết học, chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa mang đến hạnh phúc phổ biến cho toàn thể nhân loại; chính vì vậy, bản thân chủ nghĩa xã hội là một giá trị và chức năng của nó là mang lại hạnh phúc cho mọi người. Các giá trị của chủ nghĩa xã hội không tách rời các giá trị tiến bộ phổ biến của nhân loại; các giá trị của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang theo đuổi và mang lại cũng không tách rời các giá trị tinh hoa nhân loại cũng như các giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
QUANG VĂN (tổng hợp)