Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hội thi báo cáo viên giỏi huyện Đak Đoa: Củng cố phương pháp "truyền lửa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, củng cố hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, Huyện ủy Đak Đoa (Gia Lai) vừa tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi năm 2019.
Tham gia hội thi có 25 thí sinh là báo cáo viên Huyện ủy, Bí thư, Phó Bí thư, cấp ủy viên đến từ các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy. Đây là những báo cáo viên, tuyên truyền viên xuất sắc của các đơn vị được chọn từ cơ sở. Thí sinh tham gia hội thi trải qua các phần thi gồm: soạn đề cương câu hỏi thuyết trình, thi thuyết trình và trả lời câu hỏi xung quanh nội dung nghị quyết, thông tin thời sự trên các lĩnh vực gắn với nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị công tác. 
  Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ (thứ 4 từ phải sang) tặng hoa cho các thí sinh tham gia hội thi. Ảnh: Đ.Y
Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ (thứ 4 từ phải sang) tặng hoa cho các thí sinh tham gia hội thi. Ảnh: Đ.Y
Tại hội thi, các thí sinh đã chọn lựa thuyết trình những vấn đề liên quan đến các chỉ thị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng, định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với bài thuyết trình về tuyên truyền Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, báo cáo viên Trần Quốc Tân-Bí thư Đảng ủy xã Kdang-đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, đưa ra những dẫn chứng hết sức cụ thể và sinh động, tạo sức lôi cuốn đối với mọi người. Đạt giải ba tại hội thi, ông Tân chia sẻ kinh nghiệm: “Để tuyên truyền tốt nghị quyết thì cần phải hiểu rõ nội dung của nghị quyết; trong quá trình vận động cần phải kiên trì; đồng thời nắm vững phương pháp, hiểu được văn hóa, phong tục, tôn giáo; phần liên hệ thực tiễn phải mang tính thời sự thì bài tuyên truyền mới sinh động”.
Là Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đak Đoa, có kinh nghiệm nhiều năm là báo cáo viên Huyện ủy, thí sinh Lê Anh Hùng (đạt giải nhì tại hội thi) cho hay: “Thành tích đạt được là động lực tinh thần để tôi phấn đấu hơn nữa. Hội thi lần này giúp tôi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, nhất là về phương pháp tuyên truyền”. Với bài thuyết trình có chủ đề: “Làm gì để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực trạng và giải pháp”, thí sinh Lê Anh Hùng cho rằng, mỗi chi bộ, đảng viên phải nghiên cứu kỹ nội dung, tài liệu tham khảo. Hơn nữa, để công tác tuyên truyền hiệu quả phải xác định đúng đối tượng, chuẩn bị nội dung phù hợp, liên hệ thực tế sát với nhiệm vụ, vai trò, chức năng, nội dung cần tuyên truyền, sao cho mỗi bài tuyên truyền phải “truyền lửa” cho người nghe.
Báo cáo viên Nguyễn Tấn Trung-Phó Bí thư chi bộ Trường THPT Nguyễn Huệ-là người đạt giải nhất tại hội thi khi lựa chọn bài tuyên truyền với chủ đề: “Cách mạng công nghiệp 4.0: Thời cơ và thách thức với sự phát triển kinh tế-xã hội ở Đak Đoa”. Với phong cách đĩnh đạc, tự tin, lôi cuốn, anh đã chuyển tải thành công nội dung bài tuyên truyền một cách dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn, được Ban giám khảo đánh giá cao. Báo cáo viên Nguyễn Tấn Trung chia sẻ: Đak Đoa xác định thế mạnh của huyện vẫn là nông nghiệp. Do đó, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng máy móc vào sản xuất là tiêu chí hàng đầu. Vậy phải làm gì để thay đổi khi trình độ người dân còn hạn chế? Vấn đề mấu chốt là tuyên truyền để dần dần người dân nâng cao nhận thức. Hơn nữa, các cấp, ban ngành liên quan phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin, văn bản, nghị quyết mới rồi mạnh mẽ áp dụng vào thực tế. “Tôi chọn chủ đề tuyên truyền này bởi đây là xu thế thời đại. Trong bài tuyên truyền, tôi vừa sử dụng phương pháp truyền thống vừa kết hợp phương thức hỏi-đáp nhanh, có hình ảnh minh họa sinh động, liên hệ thực tế, tạo hứng thú, lôi cuốn người nghe”-anh Trung nói.
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thi, đa số thí sinh đã có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng; các chủ đề thuyết trình bám sát nội dung với các thể loại như truyền đạt nghị quyết, thông tin thời sự, báo cáo chuyên đề trên các lĩnh vực gắn với nhiệm vụ công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều thí sinh có phần chuẩn bị bài thuyết trình rất bài bản, cách thể hiện rất tự tin, lôi cuốn, làm chủ bài tuyên truyền, thoát ly đề cương, tự tin trả lời trong phần thi hỏi-đáp. Tuy nhiên, vẫn còn một số đề cương thuyết trình chuẩn bị chưa chu đáo, liên hệ thực tiễn chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, chưa gắn lý luận với thực tiễn. Một số bài tuyên truyền chưa đi vào trọng tâm của vấn đề, thiếu phương pháp, kỹ năng tuyên truyền; sử dụng máy chiếu chưa thành thạo; một số thí sinh chưa trả lời đúng trọng tâm câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra.
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-khẳng định: “Thành công của hội thi mới chỉ là kết quả bước đầu. Điều quan trọng là sau hội thi, các thí sinh tiếp tục phấn đấu hơn nữa, không ngừng trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng giữa lý luận và thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm