Phóng sự - Ký sự

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…

Nhưng nếu bạn cần một khoảng lặng, một sự riêng tư để nhìn lại chính mình: Lăng Cô giúp bạn.

Đầm Lập An (Lăng Cô) trong xanh, bình yên. Ảnh: TUỆ TÂM

Kỳ 1: Hẹn hò về đầm Lập An

Về Lăng Cô khởi những hò hẹn, lưu luyến, thiết tha.

Tháng 6, biển êm, về Lăng Cô sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những con sóng như luống khoai cuộn lăn mặt biển, vỡ oà bờ cát. Và đầm Lập An trong veo vắt đến mức nhìn rõ loài cá bơi.

Ngày sớm trên đầm

Đầm Lập An là nguồn lợi tự nhiên là sinh kế của người ven đầm. Với họ, nhịp thời gian mỗi ngày tuỳ theo con nước. Nắng, mặt nước dài rộng. Mưa, mặt đầm chỗ đục, chỗ trong. Thiên nhiên vốn dĩ đẹp cho chính nó, tận hưởng đến đâu phụ thuộc vào mỗi người.

Mờ sớm, cây cỏ ướt sương mai, bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Hói Dừa (thị trấn Lăng Cô) đã dậy, và lịch kịch chuẩn bị cho cái công việc “bì bõm” trong đầm: “Ngày trước, chị em chúng tôi cứ thầm lặng bắt nghêu. Nhiều bận, xuề xòa với nhau mà không ngại. Nay, chúng tôi tươm tất hơn vì khách du lịch rong chơi trong đầm”.

Bình minh luôn là khoảng thời gian đẹp, một vài loài chim cũng dậy sớm dợt cánh trên mặt đầm. Hoàng hôn ma mị từ phía chân núi Bạch Mã ú òa bước chân. Bà Hoa yêu những khoảnh khắc trong đầm. Bởi đầm không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là những tâm tình lúc đắng cay, khi ngon ngọt.

Trước đây, nhiều phụ nữ luống tuổi sống trong nhiều khu dân cư: Hói Dừa, Hói Mít, Hói Cạn, Loan Lý, An Cư Đông, An Cư Tây, Miều Chùa… bắt nghêu vì mưu sinh. Nay, họ bắt nghêu vì thú vui, kỷ niệm cũ. Xưa kiếm cơm, nay kiếm canh.

Tiết trời tháng 6, nắng rang, xuống đầm ngâm nước cũng là cách làm mát. Họ có chuyện riêng, chuyện dài với nhau, theo đó họ đi bốn năm người, thì chốc lát, hai người tản ra một lối, ba người chuyển sang một hướng.

Người Huế luôn nhớ nguồn gốc của mình, đi đến phương trời nào họ cũng mang theo hồn Huế trong ẩm thực, cử chỉ. Nhưng còn những người nơi khác về Huế sinh sống thì sao? Bà Hoa lược chuyện, bà sinh ra và lớn lên tại thị trấn Lăng Cô, nhưng quê gốc của bà ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), cố cụ của bà đầu thế kỷ 20 di cư ra đây lập làng, sống bằng nghề trồng trọt, đốt than và chài lưới trong đầm.

“Chúng tôi có nhiều điểm chung với người Huế nhưng vẫn giữ vài nếp xưa. Giỗ này, Tết này… đều phải có bánh thửng (bánh thuẫn) bày bàn thờ. Liên hoan phải có mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, mắm nêm…”, bà Hoa cho hay.

Ngày xưa, khi chưa có điện lưới, cuộc sống của người dân quanh đầm Lập An diễn ra theo một cách mộc mạc, thủ công, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên.

Ông Huỳnh Văn Chạy, 78 tuổi, sống tại khu dân cư Hói Cạn, chuyện rằng: “Người dân thường bắt đầu ngày mới từ rất sớm. Ai cũng tận dụng ánh sáng mặt trời và thời tiết mát mẻ ra đồng, xuống đầm. Công việc đánh bắt thường được thực hiện bằng thuyền nhỏ và dụng cụ thô sơ như lưới, rọ, câu”.

Nghe vậy cũng muốn trở về ngày xưa, không khí yên bình, tiếng mái chèo khua nước tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng nên thơ. Với thời gian, người dân nơi đây tích lũy nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quý báu trong việc đánh bắt thủy sản.

“Chiều tà, khi công việc đánh bắt kết thúc, người dân quay về nhà với những mẻ cá, mớ tôm tươi ngon. Cả gia đình quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị bữa cơm tối đơn giản. Những món ăn mặn được nấu nướng theo cách truyền thống, tạo nên hương vị đậm đà”, ông Chạy buông lời.

“Khi mặt trời lặn, ngôi làng dần chìm vào bóng tối. Ánh đèn dầu cũng thắp tiết kiệm, chỉ đủ sáng để vá quần áo, lặt lựa cá tôm khô, cho tụi nhỏ học bài”, bà Hoa nhỏ nhẹ.

Ngoài việc khai thác thủy sản, người dân quanh đầm Lập An còn tham gia vào các nghề thủ công đan lưới, làm rọ bắt cá, chế tạo các dụng cụ lao động từ tre, nứa. Những sản phẩm thủ công này không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà còn là nguồn thu nhập thêm cho các gia đình.

Cuộc sống không có điện lưới cũng đồng nghĩa với việc giải trí và giao lưu xã hội chủ yếu diễn ra vào ban ngày hoặc dưới ánh trăng, theo phong cách đơn giản nhưng đầy màu sắc địa phương. Dù thiếu thốn về mặt vật chất, tiện nghi, nhưng có sự gần gũi với thiên nhiên, tinh thần cộng đồng gắn kết.

Mò nghêu trong đầm. Ảnh: HOA ANH

Lập An không còn yên tĩnh

Đầm nước mênh mang giờ đã không còn yên tĩnh. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đã bị tô vẽ thêm bởi ham muốn của con người, dưới cái tên mỹ miều là “phát triển du lịch”. Du lịch nếu phát triển phù hợp thì đem lại thu nhập cho người dân và doanh thu cho địa phương. Nhưng ngoài những lợi ích, thì thực tế, du lịch ở khu đầm cũng xuất hiện những mảng tối.

Dãy Bạch Mã “vắt” hết nước ngọt cho đầm. Nền đất Lăng Cô vươn dài chặn ngoài vào trong khiến đầm Lập An không hòa vào biển. Nước trong đầm mãi không ngọt, và mãi cũng chẳng mặn. Và chính điều kiện pha lẫn này khiến hệ sinh thái trong đầm như món quà tặng của thiên nhiên. Đầm Lập An có sò mai, cua đá, cá dìa, cá mú lưới, cá ngát, cá hồng, cá hanh…

Đến những nhà hàng nhỏ ven đầm Lập An thường gặp những người phụ nữ mỏng mảnh, dẻo dai mà mình không ăn món gì trong nhà hàng của họ là mình đánh mất cơ hội trò chuyện tìm hiểu ẩm thực nơi này. Ốc gai hấp sả ăn với gừng. Sò méo, vẹm xanh nướng mỡ hành, hấp rau húng. Có lẽ, phải ở đây một tuần mới đủ thời gian để thưởng thức món địa phương. Các món cháo, súp hải sản ở đây được nêm nếm vừa vặn.

Nhưng nhiều người thích tiện. Hồ đầm bỗng dưng mọc lên những nhà hàng nổi. Đầm Lập An không nằm ngoài xu hướng của phát triển nóng. Ngoài ảnh hưởng cảnh quan, còn những thứ hóa chất tẩy rửa, chất thải và nhiều thứ chẳng tốt lành gì gửi tặng cho nguồn nước trong xanh. Khách hàng ào đến ào đi náo nhiệt. Tại đây, họ nhanh chóng được cấp dưỡng hạng xoàng, thợ nấu ăn láu cá dọn lên đĩa có ngọn, tô căng tràn… Phần thắng thuộc về nhà hàng. Phần trăm thuộc về tài xế, hướng dẫn viên. Và một phần khó chịu nào đó thuộc về đầm Lập An.

Những năm gần đây, đầm Lập An xuất hiện nhiều hộ nuôi hàu. Trên thị trường có hai loại hàu: hàu đá, hàu sữa. Tuy nhiên, ở đầm Lập An chỉ nuôi được hàu đá. Anh Nguyễn Văn Tường, một chủ hộ nuôi hàu trên đầm Lập An cho biết: “Hàu đá có vỏ cứng, dày, kích thước lớn hơn hàu sữa. Vỏ hàu đá thường gồ ghề, bề mặt xám đậm hoặc nâu. Hàu sữa có vỏ mỏng mịn hơn, kích thước nhỏ hơn, mầu xám nhạt so với hàu đá”.

Về chế biến hai loại hàu này, một người phụ nữ nhỏ nhắn, chủ nhà hàng Phương Diên, một nhà hàng “be bé” ở Lăng Cô, cho biết: “Hàu đá chắc và dai hơn, hương vị đậm đà, mùi thơm mạnh mẽ. Hàu đá thường được ưa chuộng khi nướng mọi, nướng phô-mai hoặc nấu cháo. Hàu sữa mềm mại, béo ngậy, có vị ngọt thanh. Hàu sữa thích hợp để ăn sống, làm sashimi hoặc nấu các món có vị nhẹ nhàng”.

Đầm Lập An nước lợ, với diện tích rộng lớn khoảng 7.100 ha, diện tích mặt nước khoảng 1.647 ha. Màu nước của đầm thay đổi theo thời gian và thời tiết, khi thì xanh biếc, khi thì ngả vàng ấm áp dưới ánh mặt trời, tạo nên một khung cảnh huyền ảo.

Có thể bạn quan tâm