Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Họp chợ trên vỉa hè: Ẩn họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng buôn bán, họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường dọc theo các tuyến quốc lộ hiện nay đang được xem là những “cái bẫy”, không những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả người mua và bán bởi những thói quen “tiện dụng” nhất thời. Một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tình trạng biến vỉa hè thành chợ của người dân.  
Những cái chết “báo trước”
Sáng 3-8, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại địa bàn thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai làm 4 người chết và 1 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe khách tông vào nhóm người họp chợ trên tuyến quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn này. Theo những người chứng kiến tại hiện trường, vào khoảng 6 giờ 15 phút, xe khách giường nằm của hãng xe Văn Năm mang BKS: 19B-00.918 do tài xế Nguyễn Văn Thất (SN 1979, trú huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) điều khiển, lưu thông theo hướng Bắc-Nam trên quốc lộ 14. Khi đến Km1634 + 500m, đoạn ngay Chợ trung tâm thị trấn Chư Sê thì thấy một chiếc xe máy 81P1-157.17 do ông Phan Văn Thái (thị trấn Chư Sê) đang qua đường nên đã đạp phanh gấp. Do trời mưa, mặt đường trơn trợt, lái xe không làm chủ được tay lái nên đã tông thẳng vào nhóm người đang họp chợ bên đường. Hậu quả vụ tai nạn khiến các nạn nhân bị tử vong tại chỗ gồm: Bà Phạm Thị Hoa (SN 1961, trú tổ dân phố 6, thị trấn Chư Sê); Phạm Thị Sinh Châu (SN 1961, trú tổ dân phố 11, thị trấn Chư Sê); ông Phạm Văn Thái (SN 1975, trú tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê) và bà Nguyễn Thị The (SN 1958, trú tổ dân phố 6, thị trấn Chư Sê) chết tại bện viện. Vụ tai nạn còn khiến bà Lê Thị Hiền (SN 1965, trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bị thương, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. 
Chiếc xe gây tai nạn khiến cho 4 người. Ảnh: Minh Nguyễn
Điều đáng nói là tình trạng họp chợ, lấn chiếm vỉa hè mua bán dọc theo tuyến quốc lộ gây mất an toàn giao thông này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Trong khi lượng xe lưu thông qua đoạn này hàng ngày rất đông, tai nạn giao thông xảy ra là điều không tránh khỏi. Ông Tôn Thất Lanh-Tổ trưởng Tổ xe thồ tự quản thị trấn Chư Sê cho rằng: Tại khu vực này, lượng xe ra vào Bến xe huyện Chư Sê hàng ngày rất đông, cộng với lượng xe lưu thông qua đoạn này với mật độ dày trong khi đối diện bên kia đường là chợ, người dân tụ tập mua bán dọc theo lề đường thì việc xảy ra tai nạn giao thông là điều không tránh khỏi. Theo ông Lanh, buổi sáng, tầm 7 giờ 30 phút, buổi chiều khoảng 15 giờ, người dân còn tràn ra lòng, lề đường để mua bán, rất nguy hiểm. Người mua hàng thì tấp xe máy ra vào liên tục, người đi bộ thì qua lại trên đường khiến giao thông khu vực này trở nên hỗn loạn. Chỉ cần xe ô tô lách người băng qua đường hay xe máy là có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc cho nhiều người, cả người mua lẫn người bán. “Sáng nay, do trời mưa nên người bán lẫn người mua ít hơn thường ngày, nếu tai nạn xảy ra vào giờ cao điểm (tầm hơn 7 giờ sáng) thì không biết hậu quả sẽ như thế nào”-ông Lanh nói.
Hàng ngày, lượng xe ra vào Bến xe huyện Chư Sê rất đông, phía bên kia đường, người dân tụ tập mua bán nguy cơ mất an toàn gaio thông rất cao. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong khi đó, ông Phan Văn Đức (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho biết: Ngày nào người dân tụ tập mua bán trên lòng, lề đường ngay trước cửa hàng mua bán của nhà ông. Nhiều lần ông ra đuổi không cho họ tụ tập, vì mua bán kiểu này rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, người dân cho rằng đường là của Nhà nước, họ tự do mua bán nên những lời nói của ông đều bị bỏ ngoài tai. “Tổ quản lý Trật tự thị trấn làm việc rất tích cực nhưng không phải lúc nào họ cũng làm, khi lực lượng này về thì người dân tràn ra lòng đường để bán, đâu cũng vào đấy.  Hậu quả nhãn tiền là vụ tai nạn giao thông đáng tiếc sáng nay. 
Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè
Trao đổi với P.V, ông Trần Sỹ Đại (Tổ quản lý trật tự Thị trấn Chư Sê) cho biết: Tình trạng họp chợ ngay bên Quốc lộ này đã diễn ra từ lâu nhưng rất khó xử lý. Lượng xe qua lại ở đoạn Quốc lộ đều chạy với vận tốc cao nhưng người dân vẫn thản nhiên buôn bán, xem thường tính mạng của mình. Lực lượng có đến đẩy, đuổi nhưng được một lúc rồi bà con cũng quay lại bán. “Chúng tôi thường xuyên vận động, nhắc nhở người dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước chợ để buôn bán nhưng người dân chỉ thực hiện cho có. Lúc kiểm tra thì người dân chấp hành, khi chúng tôi đi khỏi thì người dân lại tiếp tục lấn chiếm. Nhiều lúc đi dọn dẹp lề đường, chúng tôi còn bị chửi bới, xúc phạm thậm tệ”-ông Đai bức xúc nói.
Lượng người ra vào chợ chấp nập khiến khu vực này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn
Có mặt tại hiện trường sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên yêu cầu các ngành liên quan tập trung cứu chữa cho người bị thương. Đồng thời, chỉ đạo địa phương và các ngành liên quan tổ chức phân luồng, đảm bảo lưu thông trên tuyến quốc lộ và điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để xảy ra tai nạn nghiêm trọng như vậy là do tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Trước đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban An an toàn giao thông tỉnh, các địa phương có chợ gần tuyến quốc lộ tập trung làm tốt công tác trật tự an toàn giao thông, không cho người dân tràn ra lòng đường mua bán. Tuy nhiên, trong thời gian qua thì có địa phương làm tốt, địa phương làm chưa tốt, lúc làm lúc không nên vẫn còn tình trạng người dân tụ tập mua bán trên lòng lề đường. “Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tuần tra nhắc nhở người dân nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường nhằm tránh tai nạn giao thông đáng tiếc như thế này xảy ra”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu giải pháp. 

Cũng dọc theo tuyến quốc lộ 14, việc họp chợ tự phát tại ngã 3 giao nhau giữa đường Trường Chinh và Hoàng Sa, nhiều năm nay chính quyền địa phương vẫn chưa dọn dẹp được. Mặc dù cách đó chỉ khoảng 200 m, UBND TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã vận động doanh nghiệp xây dựng một khu chợ mới với vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chợ xây xong nhưng các tiểu thương không chịu vào chợ mới mà vẫn tụ tập mua bán dọc tuyến quốc lộ này, thậm chí bất hợp tác mỗi khi chính quyền triển khai lực lượng đẩy, đuổi.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm