Họp ngắn, nói ít nhưng có nhiều việc phải làm. Nhiều đại biểu ở các tỉnh xa, sau bữa ăn trưa đã lên xe về giải quyết công việc ở nhà, không phải mất thêm 1 ngày nữa, tiết giảm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc ăn ở, xe cộ đi lại...
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học về công tác dân vận của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, thực trạng và những vấn đề đặt ra được tổ chức tại TPHCM mới đây, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đưa ra yêu cầu: “Tham luận của các đại biểu đã có trong tài liệu, các đồng chí nghiên cứu kỹ, khi phát biểu nên ngắn gọn, đưa ra những vấn đề từ thực tế, không diễn giải, nói dài dòng”.
Yêu cầu trên của đồng chí Trương Thị Mai được đại biểu tham dự hội thảo đồng tình. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam phát biểu trước với thời lượng chưa đến 10 phút, nhưng đã nêu được một loạt vấn đề mới nảy sinh từ thực tế mà công tác dân vận của Đảng phải hướng đến, cùng với những mô hình, phương thức sinh động, gắn với thực tế.
Chỉ 1 giờ đầu cuộc hội thảo, đã có 6 đại biểu phát biểu với hàng chục nội dung, vấn đề mới từ thực tiễn của các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Bình Thuận, TPHCM.
Trong đó, đặc biệt là phát biểu của đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, với thời lượng là 3 phút 40 giây.
Chỉ với thời gian như vậy, nhưng đồng chí Trần Lưu Quang đã nêu được 6 vấn đề lớn từ thực tế đặt ra cho công tác dân vận nói chung và đạo đức, phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên nói riêng.
Đồng chí nói: “Mỗi chúng ta hãy làm nhiều hơn một chút, mà đặc biệt là làm cho có kết quả thực tế, được nhiều người thấy và công nhận. Hãy làm nhiều và làm hay như nói”.
Một vấn đề khác được đồng chí Trần Lưu Quang nêu ra trong phát biểu tham luận: “Tôi nghĩ, bây giờ cũng đã qua cái thời chúng ta hô khẩu hiệu, nói nhiều về truyền thống, lòng yêu nước chung chung, thiếu cụ thể. Thực tế mà tôi rút ra được ở một số nước về thực hiện các phong trào, các cuộc vận động xã hội là họ cung cấp nguồn lực cần thiết để khuyến khích chính quyền địa phương và người dân nơi đó thực hiện. Ở đâu, cá nhân nào làm giỏi thì được khen, ai làm dở là cắt luôn. Còn ở nước ta, có phong trào với rất nhiều tiêu chí đặt ra hình như để xài tiền ngân sách nhà nước, còn cuộc sống của người dân thực sự có tốt hơn không thì phải xem lại…”.
Theo kế hoạch, hội thảo diễn ra trong 1 ngày, nhiều đại biểu ở các tỉnh xa đã phải đi trước 1 ngày, 1 ngày họp và đến hôm sau mới về. Thế nhưng, đến 11 giờ 25, hội thảo kết thúc.
Ra về, đại biểu nào cũng chung suy nghĩ: Họp ngắn, nói ít nhưng có nhiều việc phải làm. Nhiều đại biểu ở các tỉnh xa, sau bữa ăn trưa đã lên xe về giải quyết công việc ở nhà, không phải mất thêm 1 ngày nữa, tiết giảm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc ăn ở, xe cộ đi lại...
Hoài Nam (SGGP)