Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam: mỗi địa phương phải là điểm đến không trùng lặp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều tháng sụt giảm sâu do ảnh hưởng COVID-19, các tỉnh miền Trung đang tìm biện pháp thiết lập lại cơ sở hạ tầng du lịch, cơ cấu sản phẩm mới, định hướng lại khai thác thị trường trong tương lai, đợi đến ngày du lịch phục hồi.
Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Theo thống kê của các sở Du Lịch, trong năm 2019, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế là 2,63 triệu lượt, Đà Nẵng 5,16 triệu lượt, Quảng Nam 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu - 3,52 triệu và 4,66 triệu lượt.
Thời gian tới, bệnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới và nhu cầu du lịch sẽ thay đổi nhanh chóng. Thái độ người tiêu dùng du lịch cũng sẽ khác xa trước đây. Chiến lược phát triển các dịch vụ du lịch tại từng điểm đến cần phải điều chỉnh thích ứng với tình hình trạng thái mới.
Mỗi địa phương phải là một điểm đến không trùng lặp
Sau 30 năm (1990-2020) phát triển du lịch tăng trưởng liên tục, hầu như các điểm đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên sẵn có để hình thành thương hiệu của mình. 
Ba điểm đến hầu như đều có tài nguyên thiên nhiêu ưu đãi giống nhau, như di sản thế giới, bờ biển đẹp, sông, núi. Tuy nhiên, để tạo ra một bức tranh du lịch đủ phong phú cho toàn vùng thì chưa rõ nét. 
Gần đây, Huế đang xây dựng và định vị chiến lược thương hiệu điểm đến Kinh đô áo dài và thủ phủ ẩm thực thế giới. 
Quảng Nam loay hoay định hình Điểm đến xanh, du lịch bền vững. 
Đà Nẵng vẫn duy trì thành phố du lịch năng động và dịch vụ "thượng vàng hạ cám". 
Tôi quan sát, các địa phương luôn có sự kết nối tương tác với nhau trong rất nhiều hoạt động ngoại giao, nhưng để thực sự cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển điểm đến cho cả vùng, cùng nhau thống nhất các mục tiêu xây dựng điểm đến vùng thì chưa có tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động cụ thể. 
Lăng Khải Định (Huế) nhìn từ trên cao - Ảnh: NÔNG THANH TOÀN
Lăng Khải Định (Huế) nhìn từ trên cao - Ảnh: NÔNG THANH TOÀN
Tổ chức các chuỗi sự kiện hàng năm
Với điều kiện nằm trên trục đường quốc lộ 1 liền kề, dài khoảng cách 150km, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam luôn nằm trên trục đường du lịch của du khách. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng chuỗi sự kiện liên tục chạy qua từng địa phương, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, làm sao mỗi du khách phải chuẩn bị kỳ nghỉ 4 ngày và lưu trú ít nhất một đêm tại mỗi tỉnh thành.
Các sự kiện nên tổ chức vào mùa thấp điểm du lịch, tạo điều kiện thu hút khách và khắc phục tình trạng thiếu khách trong các giai đoạn này. Festival Di sản Huế hằng năm diễn ra giai đoạn nghỉ lễ 30-4 - 1-5, đây là thời điểm cao điểm du lịch nội địa. Tổ chức festival làm tăng sự phức tạp cho dịch vụ tại điểm đến, thiếu dịch vụ, không hiệu quả cho toàn ngành. 
Cần tăng thêm sự phong phú lễ hội, các nguồn khách khác nhau bằng việc nâng cấp và tổ chức các lễ hội theo giai đoạn cao điểm của từng nguồn khách. Ví dụ, bên cạnh khách nội địa tập trung vào dịp hè, kỳ nghỉ của học sinh, các kỳ nghỉ quốc gia thì nên khai thác giai đoạn cao điểm của nguồn khách khác nhau. 
Khách Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Macau, Malaysia, Singapore thường đi du lịch cao điểm từ tết Âm lịch đến hết tháng 1. 
Lễ hội té nước vào tháng 4 là giai đoạn cao điểm của các nước Thái Lan, Lào, Camphuchia, Myanamr. Tuần Lễ Vàng là giai đoạn cao điểm của người Nhật vào tháng 5, hoặc lễ hội Việt - Nhật vào tháng 8. 
Khách châu Âu ưa chuộng mùa du lịch dịp Noel, Tết Tây. 
Sau này, nếu khai thác thêm các nước Trung Đông hay Ấn Độ, chúng ta sẽ có nhiều giai đoạn cao điểm khác.
Nâng cấp và hoàn thiện các phương tiện giao thông vận chuyển chủ lực
Cần nâng cấp sân bay và điều tiết các hãng bay phân bổ hợp lý cho 3 địa phương. Trước đây, sân bay Đà Nẵng từng quá tải, và tôi tin chắc rằng nếu du lịch phục hồi thì sân bay Đà Nẵng sẽ tiếp tục quá tải, trong khi sân bay quốc tế Nội Bài, Huế thì rất ít chuyến bay, và Chu Lai, Quảng Nam cũng tình trạng như vậy. 
Huế và Quảng Nam cần chủ động quảng bá tiếp thị sân bay, hoặc tạo cơ chế tốt cho các chuyến bay nội địa và quốc tế đến thường xuyên hơn với các chính sách đặc biệt thu hút. Theo tôi biết, trong các giai đoạn cao điểm, nhiều hãng bay thuê chuyến (charter) không cấp phép đến sân bay Đà Nẵng, hoặc thời gian thuận lợi để khai thác chuyến bay cũng không có.
Đường sắt là phương tiện rất thuận lợi. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của tàu Thống Nhất còn nhiều hạn chế để khai thác du lịch, vì vậy Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam nên tạo cơ chế thông thoáng để kêu gọi tư nhân vào đầu tư khai thác du lịch, tạo ra các toa riêng phục vụ khách du lịch về miền Trung từ hai đầu đất nước. 
Phải tạo ra tàu dịch vụ 5 sao, giống như khách sạn Victoria Sapa đã từng làm trước đây nhiều năm thành công.
Kết nối mạnh mẽ với hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM
Gần đây, các địa phương miền Trung ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khách nội địa từ phía Bắc và phía Nam, và mạnh nhất vẫn là khách đến từ TP.HCM và Hà Nội. Đây là lượng khách nội địa đầy tiềm năng cho du lịch mùa hè, cũng như trong các kỳ nghỉ lễ quốc gia dài ngày.
Vì vậy, bên cạnh việc quảng bá truyền thống cần duy trì, nên có chính sách kích cầu đặc biệt cho khách từ 2 địa phương này trong từng thời điểm cụ thể.
Chính lượng khách này tạo động lực lôi kéo khách khác cho các vùng miền Bắc và miền Nam. Ba địa phương nên tổ chức thường xuyên hằng năm các lễ hội văn hoá - du lịch Những ngày miền Trung tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực, du lịch .iền Trung tại hai thành phố lớn nhất cả nước.
Khai thác công nghệ số và dữ liệu lớn vào khai thác du lịch
Trong tương lai rất gần, sự phát triển công nghệ số và khoa học dữ liệu sẽ nhanh chóng được ứng dụng vào đời sống con người, đặc biệt lĩnh vực du lịch sẽ là nơi tiếp nhận cộng nghệ này nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh cho doanh nghiệp và trải nghiệm của du khách.
Vì vậy, 3 địa phương hãy nhanh chóng liên kết khai thác dữ liệu lớn, nắm bắt công nghệ AI mới, đầu tư con người, phát triển hệ thống số để khai thác nhu cầu du lịch trong thời kỳ mới.
Nghiên cứu nhu cầu du lịch con người sẽ cần sự tích hợp dữ liệu số và đủ lớn để tham mưu cho các địa phương định hướng phát triển sản phẩm du lịch, nhu cầu du khách, thị hiếu du lịch mới.
Theo NGUYỄN SƠN THỦY (TTO)

Có thể bạn quan tâm