Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Huyền bí mộc thần Yang Bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa vào đến khuôn viên của Công viên Du lịch Yang Bay, phía bên trái đầu dốc là đồi Phượng Hoàng, có một cổ thụ sum sê.

 

Những già làng ở đây cũng không biết cổ thụ có từ khi nào, chỉ ước chừng đã tồn tại hơn 500 năm, qua bao thế hệ, dân làng vẫn gọi với cái tên tôn kính là mộc thần. Mộc thần gồm 2 cây da và 1 cây sanh quấn lấy nhau, gốc hơn 20 người ôm, cao hơn 25 m, tán cây rộng hơn 200 m2.

A Dũng, người Raglay làm việc ở Công viên Du lịch Yang Bay, cho biết 3 cây này tượng trưng cho 3 dòng thác Yang Bay, Yang Khang và Hocho. Theo các già làng, người Raglay ở đây đều tin rằng mộc thần rất linh thiêng. Cây đứng vững như một vị thần canh giữ khu rừng, bảo vệ và ban phúc cho dân làng. Người dân ở đây mỗi khi đi rừng đều dừng chân dưới gốc cây cầu nguyện cho chuyến đi được bình an và thành công.


 

 



Đây cũng là nơi cầu nguyện của mỗi đôi trai gái trước khi quyết định về chung một mái nhà. Theo các già làng người Raglay, mộc thần có 8 bành rất lớn tượng trưng cho 8 mặt của thần rừng để trông coi 8 hướng của trời đất. Còn với người Kinh khi đến đây lại cho rằng 8 bành đó tương ứng với 8 quẻ bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài; tượng trưng cho trời, đầm (hồ), lửa, sấm, gió, núi, nước, đất. Người dân quanh vùng còn truyền miệng rằng 8 mặt mà mộc thần bành ra 8 hướng là 8 vấn đề quan trọng trong đời, cụ thể là: sức khỏe, tình duyên, sự nghiệp, học hành, gia đình, tiền bạc, cầu tự, tâm an.

Người xưa kể rằng hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8 đến tháng 3 âm lịch, người ta thường thấy chim phượng hoàng đất bay về đậu trên những tán cây mộc thần ăn trái. Vì thế người dân gọi đồi này là đồi Phượng Hoàng. Họ cho rằng ai trong đời được nhìn thấy chim phượng hoàng đất sẽ gặp được nhiều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống. Ông Võ Khôi Minh, Giám đốc Công viên Du lịch Yang Bay, cho biết mộc thần cũng chính là tượng đài tâm linh của những người con tại Yang Bay, do đó hằng tháng cán bộ, công nhân viên đều dừng chân ghé lại nơi đây, dâng lễ với lòng thành, ước nguyện hạnh phúc cho người dân.

Năm 2017, cơn bão lịch sử số 12 ở Khánh Hòa càn quét tang thương nhưng tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, mộc thần của người Raglai vẫn nguyên vẹn, không suy suyển.

Theo Đoàn Đức (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm