Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Thánh địa Mỹ Sơn nằm ở xã Duy Phú (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đây là một quần thể đền đài Chăm Pa nằm trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi.
Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản văn hóa thế giới. Theo các nhà khoa học, Thánh địa này có thể được xây dựng vào thế kỉ IV và được xây dựng bổ sung các đền tháp, cụm tháp qua nhiều thế kỉ để tạo nên quần thể như hiện nay.
Nơi đây từng có một đền tháp đầu tiên được làm bằng gỗ nhưng sau đó bị thiêu cháy. Vào đầu thế kỉ VII, vua Sambhuvarman đã xây lại ngôi đền bằng gạch. Các đời vua sau đó tiếp tục tu sửa và xây mới các đền tháp bằng gạch để thờ cùng các vị thần.
Những ngôi đền ở Mỹ Sơn được làm bằng gạch đỏ. Chạm khắc trang trí đã được cắt trực tiếp vào những viên gạch. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được kỹ thuật xây dựng các đền tháp của người Chăm Pa cũng như vật liệu để gắn kết các viên gạch có thể bền bỉ qua mười mấy thế kỉ.
Sau khi vương quốc Chiêm Thành tàn lụi, Thánh địa Mỹ Sơn đã chìm trong lãng quên hàng thế kỷ và đến năm 1885 mới được phát hiện.
Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa.
Các nhà khảo cổ học Pháp chia các công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn ra làm 10 nhóm chính: A, A', B, C, D, E, F, G, H, K và đặt tên cho mỗi công trình theo kiểu ghép chữ cái và số.
Phong cách kiến trúc ở đây được chia làm 6 loại: phong cách cổ, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn, PoNagar và phong cách của người dân Bình Định. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Tổng thể thánh địa gồm hai ngọn đồi, đối diện nhau theo hướng Đông – Tây và ngay tại ngã tư của một con suối, các nhánh suối đã trở thành ranh giới tự nhiên chia nơi đây thành bốn khu vực A, B, C, D. Nghệ thuật và kiến trúc ở đây ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ.
Khu Thánh địa gồm nhiều cụm tháp, bố cục mỗi cụm tháp đều có một tháp chính (Kalan) ở giữa và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Cổng tháp thường quay về phía đông để tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời.
Di tích Thánh địa Mỹ Sơn trở thành điểm được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Tổng số lượng khách năm 2019 tham quan Thánh địa Mỹ Sơn ước đạt 420.906 lượt khách, tổng doanh thu năm 2019 gần 66 tỉ đồng.
https://dulich.laodong.vn/photo/huyen-bi-thap-cham-ngan-nam-trong-long-thanh-dia-778117.html
Theo N.T (Báo Lao Động)