Huyền bí tháp Yang Prong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khách du lịch đến Đak Lak thường đi loanh quanh Buôn Ma Thuột, xa hơn chút nữa là đến Bản Đôn, hồ Lak rồi ngược về, không mấy ai lặn lội đi xa hơn để thấy tỉnh này còn có những điều huyền bí mà không phải ai cũng biết. Một trong số đó là tháp Chăm Yang Prong (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp), cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột gần 100 km.
Mùa này, con đường dẫn đến tháp Yang Prong đẹp không thua gì những con đường ở châu Âu khi lá cũng rơi vàng cả quãng đường quanh co uốn lượn. Hai bên đường là rừng cao su, bằng lăng và rừng khộp, bên dưới là lớp thảm cỏ mượt như nhung, hút mắt người nhìn. Có lẽ, đi hết cung đường này cũng đủ để “no mắt” với cảnh quan trùng điệp rồi. Từ trung tâm huyện Ea Súp đi vào xã Ea Rốk chừng 15 km nữa mới đến tháp Yang Prong. Đến đây, đường đi khá xấu, phải mất thêm gần 1 giờ để vào tháp.
 Tháp Yang Prong. (Ảnh nguồn intetnet)
Tháp Yang Prong. (Ảnh nguồn intetnet)
Rừng ở Ea Súp là rừng đầu nguồn. Tuy nhiên không còn mấy nơi giữ được rừng nguyên sinh, mà hầu hết là rừng được trồng lại sau khai thác. Chỉ duy nhất con đường đi vào tháp Yang Prong là rừng còn nguyên vẹn, cả những dây leo có tuổi thọ trăm năm, bện chặt vào những thân cổ thụ. Có những dây leo hình dáng đẹp như một bím tóc dài khiến chúng tôi ngơ ngẩn. Lý giải về điều này, người dẫn đường bảo: “Rừng ở đây thiêng lắm, từng có người chặt cây về để dựng nhà, nhưng người trong nhà liên tiếp đổ bệnh khiến anh ta phải dỡ nhà mang cây trả về rừng và làm lễ cúng tạ lỗi đấng tối cao thì mới được tha cho. Từ đó, không ai dám mạo phạm nữa”. Tôi vừa thuận tay ngắt một chùm hoa dại, nghe anh kể bỗng gai người, lơ ngơ cầm chùm hoa dại trên tay không biết nên bỏ lại hay mang về?
Tháp Yang Prong đã tiêu tốn rất nhiều giấy mực của các nhà khoa học. Có giả thiết cho rằng tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII, thờ thần Shiva. Cũng theo giả thiết này thì đã có một nhóm người Chăm vì chiến tranh đã chạy lên vùng đất cao nguyên này để trú ngụ, thờ phụng thần linh, nhưng sau một thời gian vì nhiều biến cố họ đã rời đi và ngôi tháp vẫn được người dân quanh vùng thờ cúng.
Ngôi tháp nhỏ, không đồ sộ như nhiều tháp Chăm rải rác dọc dải đất miền Trung bởi chỉ cao 9 m, đáy vuông, cạnh 5 m, toàn bộ xây dựng bằng gạch nung và chỉ có một cửa ở hướng Đông. Sau này, vì mưa gió và chiến tranh mà ngôi tháp bị hỏng, người ta đã tu sửa lại bằng xi măng khiến ngôi tháp mất đi một phần kiến trúc nguyên thủy. Tuy vậy, Yang Prong vẫn giữ vẻ cuốn hút, kỳ bí do được bao bọc bởi rừng già. Một bên tòa tháp là dòng sông Ea H'Leo hiền hòa chảy quanh năm không bao giờ hết nước, dẫu có năm khắp nơi vào mùa hạn hán.
Ở những gốc cổ thụ quanh tòa tháp vẫn còn những bát hương vỡ hoặc cũ kỹ không còn dùng đến từ rất lâu. Người dẫn đường bảo đó là của người dân trong vùng, từng có thời gian họ đem lễ vật đến thờ cúng cầu xin rất đông gây mất trật tự nên chính quyền đã vận động xóa bỏ mê tín dị đoan, trả lại sự tĩnh lặng, thâm trầm vốn có cho tòa tháp này.
Suốt buổi trưa tôi ngồi nhìn tòa tháp nhỏ bé được ôm trọn bởi rừng già, những cổ thụ vài trăm năm tuổi đứng sừng sững như những lính canh. Rễ cây lâu năm mọc trồi lên khỏi mặt đất và chạy ngoằn ngoèo như một bản đồ kho báu, nhưng tuyệt nhiên, không một rễ cây nào mọc về hướng tháp, để mặt đất phía ấy bằng phẳng và yên tĩnh đến vô cùng. Thấy tôi cứ đi quanh những gốc cổ thụ và ngắm nghía bộ rễ của chúng, người dẫn đường cười: “Nhiều người nghĩ là người ta phải dọn rễ cây để khỏi làm hư tháp. Nhưng một ngọn cỏ ở đây không ai dám bẻ thì ai dám chặt những cái rễ khổng lồ của cây hàng trăm năm tuổi?”. Tôi lại thêm lần nữa giật mình. Cây cũng là một sinh linh, cây cũng có linh hồn, đó là điều có thật ở đây chăng?
Dọc lối ra, chúng tôi phải vén những dây leo lòa xòa xuống đầu mình. Tôi thầm nghĩ, giá mà những khu rừng đều có những câu chuyện linh thiêng như thế thì rừng không bao giờ bị đốn hạ không thương tiếc.
Nguyễn Anh Đào

Có thể bạn quan tâm