(GLO)- Là người gắn bó với ngành Y tế huyện Chư Pah từ ngày đầu thành lập, ông Võ Nguyên Giác-Trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ Trung tâm Y tế huyện Chư Pah, kể lại: Lúc đầu, cơ sở vật chất phục vụ khám-chữa bệnh rất tạm bợ, phải mượn tạm Trạm Y tế xã Nghĩa Hòa. Về nhân lực, Trung tâm lúc này mới có 2 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 y tá, 1 dược tá và 1 lái xe. Sau đó, Trung tâm Y tế huyện mượn một dãy nhà cũ của UBND xã Nghĩa Hòa cải tạo lại và bố trí được 10 giường bệnh để phục vụ công tác khám-chữa bệnh cho nhân dân. Ở các trạm y tế xã cũng chỉ có 1 đến 2 người trực và phục vụ công tác khám-chữa bệnh ban đầu.
Ngành Y tế huyện Chư Pah tích cực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh. Đ.Y |
Trước tình hình đó, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, ngành Y tế Chư Pah đã từng bước vượt qua khó khăn. Tháng 10-1998, trụ sở của Trung tâm Y tế huyện hoàn thành đưa vào sử dụng. Có cơ sở vật chất mới, Trung tâm đã triển khai ngay việc cấp cứu, khám bệnh và thu dung điều trị tại chỗ. Lúc này, đội ngũ chuyên môn có trình độ đại học cũng được tuyển dụng thêm, phương tiện, trang-thiết bị y tế được đầu tư, người dân đến khám và điều trị ngày càng yên tâm hơn.
Đến nay, ngành Y tế Chư Pah có sự phát triển vượt bậc. Toàn huyện có 16 cơ sở khám-chữa bệnh, gồm: Trung tâm Y tế huyện và 15 Trạm Y tế xã (14 Trạm Y tế đạt chuẩn theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới). Về nhân lực, toàn ngành có 172 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 14 bác sĩ, 34 y sĩ, 8 dược sĩ trung học. Trung tâm Y tế huyện có các thiết bị y tế tương ứng với bệnh viện hạng III, đáp ứng yêu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh hoạt động khám-chữa bệnh, công tác y tế dự phòng cũng được quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Gần 20 năm qua, trên địa bàn huyện Chư Pah chưa có dịch xảy ra. Tỷ lệ tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ dưới 1 tuổi bình quân hàng năm đạt 95% trở lên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trung bình giảm 0,41% mỗi năm. Các dự án thuộc chương trình mục tiêu phòng-chống dịch bệnh, chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng-chống HIV/AIDS, dân số-kế hoạch hóa gia đình luôn đạt kết quả cao.
Mục tiêu của ngành Y tế huyện Chư Pah giai đoạn 2016-2020 là: Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra, không để dịch lớn xảy ra, hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV/AIDS. Không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người. Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đảm bảo công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện trên 90%. Tỷ lệ xã có bác sĩ là 100%. |
Ông Rơ Châm Thảo (làng Tuyết, xã Đak Tơ Ve) cho biết: “Tôi bị sốt nhiều ngày, ở nhà uống thuốc mãi không khỏi, nhập viện 2 ngày được các bác sĩ ở đây điều trị, giờ thấy đỡ và khỏe lên nhiều”. Cử nhân Trần Văn Tiến-quyền Trưởng khoa Cận lâm sàng, Siêu âm cho biết: “Ngoài trang-thiết bị chuyên dùng, Trung tâm đã được trang bị một số thiết bị y tế kỹ thuật cao như: máy nội soi tiêu hóa, các thiết bị xét nghiệm, chụp X quang, máy siêu âm, máy huyết học... Trung tâm có 50 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm đạt trên 100%.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: Mục tiêu của ngành Y tế Chư Pah trong thời gian tới là tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ khám-chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; củng cố mạng lưới y tế cả về vật chất, trang-thiết bị và đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống y tế huyện theo hướng tăng cường công tác xã hội hóa, trong đó y tế công lập đóng vai trò chủ đạo, đủ khả năng giải quyết về cơ bản nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và tăng cường chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến xã phối hợp thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đạt kết quả cao. Đồng thời, hàng năm tập trung khống chế bệnh dịch truyền nhiễm, hạn chế tử vong các loại dịch bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não vi rút, cúm A...
Hà Tây