Ðó là những con thuyền ba vách, buồm cánh dơi, được sử làng chép lại rằng quan quân nhà Trần đã dùng để chạy ngược nước triều, ngược cả gió bấc dẫn dụ quân Nguyên Mông vào thế trận cọc và giành chiến thắng trong trận thủy chiến trên sông Bạch Ðằng năm 1288...
Những con thuyền đi vào lịch sử như một huyền thoại đến nay không còn được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, nhưng nó là hình ảnh minh chứng về vùng đất chiến địa đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, nơi chứng kiến những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.
Truyền nhân của những con thuyền huyền thoại
Ðược gọi là đảo, nhưng Hà Nam từ lâu đã là nơi tập trung đông dân cư với công việc chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền... Theo nhiều tư liệu thành văn và cả di ngôn của các bậc cao niên, vào năm 1434, 17 cụ Tiên công gồm nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, nông dân nhận lệnh vua xuôi thuyền theo sông Hồng ra phía biển Ðông.
Nghệ nhân Lê Ðức Chắn giới thiệu về con thuyền huyền thoại đã được nhiều sách báo trong và ngoài nước ghi nhận.
Ðến vùng cửa sông Bạch Ðằng, thuộc thị xã Quảng Yên ngày nay, các cụ dừng thuyền, cắm sào, đắp đê, lấn biển. Ngoài đê thì đánh cá, vận tải, giao thương buôn bán, trong đê thì cấy lúa và làm nhà. Còn để đánh cá, đi lại, buôn bán hay về thăm cố hương, các cụ cho đóng thuyền gỗ…
Cũng từ đó Hà Nam hình thành nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế, vươn khơi bám biển bảo vệ Tổ quốc mà những người thợ đóng tàu thuyền nơi đây hàng ngày vẫn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của tổ tiên để lại cho thế hệ sau.
Tại nhà riêng của nghệ nhân Lê Ðức Chắn, ở phường Phong Hải, có một mô hình thuyền ba vách, buồm cánh dơi, được bày trang trọng. Theo ông Chắn, không ai ở vùng đảo Hà Nam biết chính xác chiếc thuyền buồm ba vách, buồm cánh dơi có từ khi nào, nhưng ai cũng biết rất rõ sự kiện Mậu Tý năm 1288.
Trước thế quân Nguyên Mông rất mạnh uy hiếp nước ta bằng đường biển, quan quân nhà Trần lúc bấy giờ đã dùng những chiếc thuyền ba vách, buồm cánh dơi chạy ngược nước triều, ngược cả gió bấc để dẫn dụ quân địch vào thế trận cọc Bạch Ðằng. Sau đó làm nên chiến thắng lịch sử, tiêu diệt hàng trăm tàu giặc, bóp nát dã tâm xâm lược của giặc phương Bắc…
Cầm trên tay mô hình thu nhỏ, ông Chắn vừa xoay trở các dây buộc để thay đổi vị trí cánh buồm vừa giảng giải, để tạo thành một con tàu, người thợ phải hoàn thành nhiều cấu kiện, như: lườn, mạn, khoang, cột buồm, cánh buồm…
Nhưng độc đáo nhất là cánh buồm hình cánh dơi, được làm bằng vải diềm bâu nhuộm vỏ cây đâng. Muốn đi kiểu gì lại có nguyên lý cột buồm riêng, mà các lão nghệ nhân gọi là vật buồm. Khi chạy xuôi gió thì vật buồm kiểu cánh tiên, chạy ngang gió thì vật buồm pha chằng và chạy vát buồm khi ngược nước, ngược gió…
Ông Chắn kể, ngày xưa các cụ ghép ván đóng thuyền bằng dây mây chứ không dùng đinh, rồi cạo vỏ cây sắn làm phoi sảm mạch ván. Lấy vỏ con hà cồn dưới sông Chanh nung lửa tán nhỏ thành vôi, sau đó dùng dầu trẩu trộn với bột vôi hà, dùng chày gỗ giã nhuyễn để chít vào các mạch ván thuyền.
Cũng theo ông Chắn, ngay cách chọn ván cái phải rất kỹ, thường là gỗ táu, hoặc xăng lẻ, gỗ phải già, không có sâu, hà, không có khoáy hầu. Nếu có khoáy hầu, con tàu hoặc con thuyền đó sẽ… phản chủ, khó điều khiển con thuyền. Và cái cốt lõi làm ra một con thuyền chắc chắn, chạy đằm và nhẹ là ở ván thuyền, bộ khung xương thuyền và kỹ thuật đóng thuyền của người thợ.
Thời kỳ chống Pháp, những chiếc thuyền ba vách, buồm cánh dơi đã cùng các tàu vận tải tham gia phục vụ cho cách mạng, đặc biệt tại vùng biển Áng Dài, Cát Bà, Gia Luận (Hải Phòng). Ðến những năm 1960, khi chiến tranh chống Mỹ vào thời điểm cam go, huyện Yên Hưng nhận được lệnh của Trung ương tăng cường phục vụ mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bốn hợp tác xã vận tải thủy là Ðại Thành, Hồng Phong, Phong Hải, Bạch Ðằng đã đóng góp những chiếc tàu, thuyền làm nên tuyến vận tải lịch sử, đặc biệt là chiến dịch VT5 năm 1968. “Năm đó tôi còn trẻ lắm, theo cha đến Hợp tác xã vận tải Bạch Ðằng thức thâu đêm đóng những con tàu vận tải chở lương thực chi viện cho miền Nam” - ông Chắn tự hào nói.
Cách đây một vài năm trước, đoàn chuyên gia từ các nước Nhật, Mỹ, Nga, Bồ Ðào Nha đã tìm về tận Quảng Yên để nghiên cứu con thuyền này. Theo đơn đặt hàng của bảo tàng thuộc Trung tâm tiền sử Ðông Nam Á, ông Chắn đã cùng con cháu trong nhà nhận đóng một chiếc thuyền dài 11m rồi chạy thử. Trên dòng sông Chanh dập dềnh sóng gió, ông Chắn đã điều khiển con thuyền băng băng lướt theo dòng nước.
Lúc sau ông chằng lại dây, lật lại góc buồm, chiếc thuyền ngả một bên ngược sóng đi hình chữ chi… Sau khi tận mắt chứng kiến khả năng di chuyển ngược sóng của thuyền ba vách, buồm cánh dơi, các chuyên gia hàng hải quốc tế đã thừa nhận các nước từ Âu sang Á đều có thuyền buồm, nhưng loại buồm như ở Quảng Yên là độc nhất vô nhị.
Và làng nghề phát đạt hôm nay
Cuối tháng 10 năm 2012, ông Lê Ðức Chắn đã đến Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã Quảng Yên, nộp đơn xin công nhận làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống kèm theo danh sách 32 chủ lán thuyền ở phường Phong Hải.
Thời điểm này ông Chắn cùng một số người làm nghề trong làng sau nhiều năm cất công đã tìm lại được khắc từ năm 1875, ghi chép việc phục dựng lại đền thờ Tổ nghề ở làng Phong Lưu, kèm theo là danh sách thợ thuyền, chủ yếu là các dòng họ: Vũ, Lê, Nguyễn. Nội dung tấm bia cũng cho thấy, năm 1895, người đứng đầu đội đóng tàu thuyền làng Cốc, gồm 2 phường Phong Hải và Phong Cốc ngày nay, là cụ Nguyễn Văn Phúc được chính quyền phong kiến nhà Nguyễn cấp bằng kỹ thuật. Từ đó đến nay, mỗi năm 2 lần vào ngày 10 - 2 và 10 - 8 âm lịch, người dân làm nghề này tổ chức lễ hội để tri ân tiên tổ, dâng hương tại bia đá Tổ nghề…
Tùy viên Hải quân Hoa Kỳ Sharman cảm động khi được tặng mô hình thuyền ba vách, buồm cánh dơi.
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng đóng tàu thuyền của gia đình rộng hàng nghìn m2, ông Chắn cho biết ở đây lúc nào cũng có hàng chục thợ thuyền đang làm việc. Cùng với đó, dọc hai bờ sông Chanh còn có hàng chục xưởng đóng tàu thuyền khác lúc nào cũng hối hả với tiếng khoan, tiếng búa, làm sôi động cả làng nghề đóng tàu thuyền ở Cống Mương…
Cũng giống như nhiều cơ sở khác, xưởng của gia đình ông Chắn từ nhiều năm nay chủ yếu đóng tàu gỗ gắn máy thuỷ, nhưng vẫn sử dụng kỹ thuật và cả những kiêng kỵ truyền thống của nghề đóng thuyền ba vách, buồm cánh dơi năm xưa…
Cách đó không xa, cơ sở đóng tàu của ông Bùi Huy Lân, cũng có hàng chục công nhân đang gấp rút chèn mạch cho tàu và sơn, hàn để chuẩn bị hạ thủy một tàu gỗ. Ông Lân khẳng định, làng nghề đóng tàu vỏ gỗ ở Hà Nam trải dài khắp nơi, từ phường Nam Hòa, Phong Hải đến Hà An..., tất cả đều rất uy tín và được khách hàng khắp nơi tìm đến.
Xưởng của gia đình chủ yếu nhận đóng tàu cho địa phương và các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Phòng... Ðể đáp ứng nhu cầu, các thợ thuyền làng nghề đã chuyển đổi sản phẩm đóng tàu, tuy nhiên vẫn sử dụng kỹ thuật truyền thống của cha ông. Trong đó đặc biệt là cách xử lý phần vỏ tàu kỹ càng, làm sao thuyền gỗ khi hạ thủy lướt nhẹ trên mặt nước…
Không chỉ biết phát huy nghề truyền thống, người dân trên đảo Hà Nam còn tận dụng để làm du lịch. Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Lịch cho biết, thuyền vỏ gỗ Cống Mương, được người dân biết đến phần nhiều vì cơ sở đóng tàu bề thế, phần vì có bộ sưu tập khá lớn mô hình tàu thuyền của mình từ chã tôm, câu mực, mảng, tàu lớn, bơi chải... Mỗi chiếc ông bán cho khách du lịch 2 - 10 triệu đồng, tùy kích cỡ.
Cũng giống vậy, nghệ nhân Lê Ðức Chắn, khi đã ở tuổi thất thập ông bàn giao cơ ngơi của mình cho 4 người con trai kế tục. Ông Chắn bắt tay làm mô hình thuyền buồm cánh dơi theo đơn đặt hàng gần xa, mặc dù mỗi chiếc có giá hơn chục triệu đồng nhưng vẫn nhiều người gửi gắm đặt mua. “Làm không phải vì kinh tế mà chủ yếu là để lại những mô hình con thuyền ngược sóng đặng sau này không bị thất truyền” - ông Chắn tâm sự.
V. Huy (Công an nhân dân Online)