Phóng sự - Ký sự

Ì xèo chợ 'ma túy sô cô la': Cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước thực trạng “ma túy sô cô la” đang được rao bán công khai rộng khắp mà Báo Thanh Niên phản ánh, cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc ngăn chặn.
Lợi dụng không gian mạng mua bán ma túy
Theo luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (Đoàn LS TP.HCM), hiện nay, lợi dụng sự phát triển rất nhanh chóng, phủ sóng rộng khắp của các trang thương mại điện tử, tội phạm ma túy sử dụng không gian mạng và coi đây như một kênh thông tin, mua bán, giao dịch ma túy.
Phương thức thực hiện là các đối tượng tạo lập tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, Instagram để quảng cáo, rao bán các chất ma túy, phổ biến nhất là cần sa… đăng thông tin quảng cáo mua bán tiền chất ma túy, ngụy trang bài đăng bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử.
Các đối tượng không trực tiếp trả lời nội dung liên quan việc giao dịch để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Chúng yêu cầu người mua liên hệ qua ứng dụng Messenger (ứng dụng nhắn tin trực tiếp của Facebook) hoặc chuyển sang ứng dụng khác như Zalo, Viber, Line... để giao dịch. Sau khi chốt giao dịch thành công, các đối tượng sẽ chuyển hàng đến cho người mua bằng hình thức đóng gói, ngụy trang sản phẩm như thực phẩm, hàng lưu niệm rồi dán kín, chuyển hàng bằng các dịch vụ vận chuyển như Grab, Go Việt, Việt Nam Post, Viettel Post… Đặc biệt, đối tượng bán thường không “xuất đầu lộ diện”, tuyệt đối không giao dịch trực tiếp để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật.

Ma túy “đội lốt” viên sô cô la
Ma túy “đội lốt” viên sô cô la
“Các đối tượng hoạt động rao bán ma túy trên mạng thường có hiểu biết về công nghệ để có các thủ thuật bảo mật thông tin cá nhân, phương thức liên lạc, trao đổi nên gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh triệt phá. Ngoài ra, loại chất mà các đối tượng rao bán công khai trên mạng hiện nay đa số là những chất gây nghiện mới, một số chất đã được đưa vào danh mục quản lý, một số chất có thể chưa được đưa vào danh mục quản lý”, LS Lượng nói.
Núp bóng thực phẩm chức năng, bánh kẹo...
Trả lời Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (C04), cho biết tội phạm ma túy luôn tìm mọi cách với phương thức, thủ đoạn mới rất tinh vi về mua bán ma túy trá hình như pha trộn ma túy với các loại thực phẩm, đồ uống... nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Trong thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy núp bóng thực phẩm là thực phẩm chức năng (TPCN) có chứa chất ma túy; ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống.
Theo thiếu tướng Viện, TPCN chứa chất ma túy ở một số nước trên thế giới không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Trong thời gian qua, các đối tượng lợi dụng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. TPCN này được mang từ siêu thị ở Mỹ về cho người nhà sử dụng nhưng không nói cho họ biết có chứa chất ma túy, viên kẹo chứa lượng nhỏ chất ma túy. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm.

Hộp sô cô la Monkey Chill được một “đầu nậu” giao cho khách đặt qua mạng. Ảnh: Trần Duy Khánh
Hộp sô cô la Monkey Chill được một “đầu nậu” giao cho khách đặt qua mạng. Ảnh: Trần Duy Khánh
Về ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thiếu tướng Viện cho biết đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống. Chẳng hạn, vụ bán bánh cần sa trên mạng internet xảy ra tại TP.Hà Nội được cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá tháng 12.2019; vụ nhóm học sinh tại Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma túy, bị ngộ độc phải cấp cứu tháng 10.2021; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại TP.HCM tháng 10.2020; vụ bán kẹo sô cô la có chứa chất ma túy tại H.Đông Anh (TP.Hà Nội) vào tháng 6.2022. Các vụ việc, người vận chuyển, tàng trữ, mua bán loại này biết nó là ma túy nhưng khi bị bắt thường chối tội và cho rằng không biết là ma túy.
Theo lãnh đạo C04, thời gian qua công an các địa phương phát hiện, thu giữ một số loại ma túy dạng mới, được ngụy trang dưới dạng sô cô la ghi nhãn hiệu Socola Chill Max, Cannabis Chocolate... bán công khai trên MXH, rất dễ mua. Có người mua ăn sau 20 phút xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.
Công an gửi mẫu đi giám định thì phát hiện chất ADB-BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc. Về hình thức, chúng không khác gì thanh sô cô la bán trên thị trường, chúng là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột ca cao, trong đó thành phần chính là một số chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng.
Các loại ma túy mẫu mới ngụy trang như thanh sô cô la có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò cho người sử dụng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên nên có nguy cơ trở thành các loại ma túy học đường.
Không để lộng hành
Theo C04, trước tình hình phức tạp của các chất ma túy mới nói trên, cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc, không để các đối tượng lộng hành mua bán trên mạng như hiện nay. Bên cạnh công tác điều tra, xử lý đối tượng vi phạm của cơ quan pháp luật thì đây cũng là lời cảnh báo đối với thanh thiếu niên và bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại ma túy dạng mới với hình thức ngày càng tinh vi. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động tiếp thị, quảng cáo, mua bán ma túy trái phép trên mạng internet và các MXH.

Hộp sô cô la Chill Max chỉ 2 viên có giá 400.000 đồng
Hộp sô cô la Chill Max chỉ 2 viên có giá 400.000 đồng
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết ngoài việc cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh, xã hội về thủ đoạn hoạt động của đối tượng và tác hại của các loại ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống, C04 cũng phối hợp với lực lượng hải quan, quản lý thị trường để tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, chứa ma túy được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng.
Đồng thời, C04 tiếp tục tăng cường, thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương trong nước nhằm tuyên truyền tới người dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Theo LS Hoàng Tư Lượng, việc các đối tượng phạm tội lợi dụng không gian mạng để chào bán, trao đổi, mua bán các chất gây nghiện và dụng cụ sử dụng kèm theo (chủ yếu là ma túy “đá”, cần sa...)… bước đầu có dấu hiệu hành vi vi phạm điều cấm quy định tại khoản 10, điều 5 luật Phòng, chống ma túy, cụ thể: “Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy”. Nếu quá trình điều tra, xác minh đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì hành vi nêu trên đã có dấu hiệu của tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo điều 251, bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo Ngọc Lê - Trần Cường (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm