Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ia Grai khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; giữ vững ổn định về chính trị-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đến năm 2025, huyện Ia Grai cơ bản trở thành huyện nông thôn mới”-đó là chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025). Để thực hiện mục tiêu đề ra, tại Đại hội, bên cạnh tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của cấp trên, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong nhiệm kỳ 2015-2020 và đề ra giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ mới.

Thực hiện đạt và vượt 17/19 chỉ tiêu

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển biến tích cực; kinh tế tăng trưởng khá, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới hiệu quả trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Chất lượng giáo dục-đào tạo, khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, nhất là công tác nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, người có công. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Đồng chí Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ia Grai lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Phan Lài


Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Ia Grai đã đạt và vượt 17/19 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 11%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng 1,68 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 40,2 triệu đồng/năm, tăng 16,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,64% năm 2015 xuống còn 3,14% năm 2020.

Việc phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng công nghệ cao, các mô hình chăn nuôi gia công, nuôi cá lồng, cùng với sự phát triển của các hợp tác xã, các nông hội gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 664 và nhiều công trình hạ tầng giao thông liên xã, liên thôn. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện đã kết nối Ia Grai với trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh và các huyện giáp ranh, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại phát triển.

Huyện Ia Grai đã tổ chức thành công Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô; có 2 di tích được tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh là Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai) và Bến đò A Sanh (xã Ia Khai); có nhiều danh thắng như thác Mơ (xã Ia Khai), thác Lệ Kim (xã Ia Tô), thác Chín Tầng (xã Ia Bă), thủy điện Sê San 4 (xã Ia O), nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, hứa hẹn là điểm sáng trong phát triển du lịch trong tương lai.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: Trần Hiếu


Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng: Kết quả đạt được đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện Ia Grai. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong nhiệm kỳ 2015-2020, đó là: một số nhiệm vụ trên lĩnh vực kinh tế chưa hoàn thành, thu ngân sách chưa đạt, xã hội hóa một số dự án, chương trình không hiệu quả; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa được quan tâm.

Đồng chí Hồ Văn Điềm yêu cầu: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện cần tăng cường giải pháp khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đồng thời, có biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, nhất là những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của Ia Grai để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Tham luận tại Đại hội, đại biểu Nguyễn Văn Chè-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại: việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả; đầu tư vào kết cấu hạ tầng còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước; hoạt động xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế.

“Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, thời gian tới, huyện cần đổi mới công tác quản lý, phát triển các cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hóa. Đẩy mạnh quá trình trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập trong quản lý, sử dụng nhân lực. Đồng thời, tăng cường cơ chế thỏa thuận về tiền lương, thực hiện trả lương đúng với giá trị sức lao động, động viên người lao động cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo. Tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất, tạo môi trường kinh doanh tốt, giải quyết nhanh các thủ tục cho các đơn vị đầu tư dự án trên địa bàn, giải phóng mặt bằng để các đơn vị đầu tư triển khai nhanh, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư”-đại biểu Nguyễn Văn Chè đề xuất.

Củng cố hệ thống chính trị gắn với xây dựng nông thôn mới 

Tham luận tại Đại hội, đại biểu Puih Rúc-Bí thư Đảng ủy xã Ia Bă chia sẻ một số kinh nghiệm trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương: “Đảng bộ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên Ban Chỉ đạo. Làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư và con em thành đạt ở xa quê, các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết với quê hương”.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Ia Bă, việc đặt ra mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 là có cơ sở. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 cần đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thật căn cơ, trong đó chú trọng huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.  

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Grai khóa XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Phan Lài

Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội đã bầu 36 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII; lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Huyện ủy khóa XVIII đối với đồng chí Dương Mah Tiệp-Bí thư Huyện ủy khóa XVII. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII đã tiến hành Hội nghị lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác quản lý đảng viên ở một số chi bộ chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức cơ sở Đảng còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, chất lượng còn hạn chế, số đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng, kỷ luật tăng.

Chỉ đạo về nội dung này, đồng chí Hồ Văn Điềm nhấn mạnh: Đảng bộ huyện Ia Grai cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cần xác định đây là nhiệm vụ then chốt, là nhân tố quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc; lấy việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Trung ương làm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng; gắn với tăng cường tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương để đánh giá, bố trí đúng cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp, các ngành.

Một góc trung tâm huyện Ia Grai. Ảnh: Thanh Nhật


Cũng liên quan đến công tác xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, đại biểu Nguyễn Thu Soan-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy-đề xuất: Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, cần phải nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban kiểm tra và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, nếu có phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình của Đảng; xử lý đồng bộ và kịp thời giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật chính quyền. Coi trọng tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể.

 PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm