Ia Kênh khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm ở địa bàn vùng ven TP. Pleiku, xã Ia Kênh có 965 hộ, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82%. Với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực trong giảm nghèo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xã Ia Kênh đang ngày càng khởi sắc.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO 
Ông Hà Anh Vũ-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Kênh-cho biết: “Xác định Ia Kênh là địa phương có xuất phát điểm thấp, an ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, vì vậy hàng năm Đảng ủy xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, Đảng ủy xã Ia Kênh đã quan tâm lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài”.
Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại làng Nhao 1 (xã Ia Kênh). Ảnh: T.N
Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại làng Nhao 1 (xã Ia Kênh). Ảnh: T.N
Cũng theo ông Vũ, việc xây dựng quy ước, hương ước các thôn làng được lồng ghép với công tác xây dựng đời sống văn hóa. Các thôn, làng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy tình làng nghĩa xóm, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp tổ chức gần 40 buổi phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với sự tham gia của hơn 3.250 lượt người dân trên địa bàn.
Là địa phương có xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo luôn được xã đặc biệt chú trọng. Cùng với thực hiện đầy đủ các chính sách dân tộc theo quy định của Nhà nước cho người dân trên địa bàn, chính quyền, MTTQ xã đã tích cực triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo bà Phan Hồng Thúy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, một số ban ngành và UBND phường trên địa bàn TP. Pleiku đã thực hiện kết nghĩa với các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, qua đó góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phòng-chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường...
Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” vận động tại xã và các nguồn kinh phí do thành phố phân bổ, xã thực hiện hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa và xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến cuối năm 2019, toàn xã còn 18 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,9%) và 36 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,8%). Nhiều hộ đã từng bước vươn lên trong sản xuất và đời sống như hộ bà Rơ Măh Yá (làng Mơ Nú), hộ ông Kpă Hnhep và ông Puih Byup (làng Nhao 1)..., thiết thực góp phần vào công tác an sinh xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
NHỮNG ĐIỂN HÌNH Ở THÔN LÀNG
Bà Nguyễn Thị Bích Liễu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kênh-cho hay, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân các làng đã đóng góp gần 300 triệu đồng để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, tham gia nạo vét kênh mương, sửa chữa đường nội đồng với chiều dài gần 7 km. Từ đó, bộ mặt nông thôn của xã thay đổi rõ nét, đời sống của hội viên, nông dân được nâng lên. Năm 2018, xã Ia Kênh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn tại làng Mơ Nú xã Ia Kênh. Ảnh: T.N
Bộ mặt nông thôn tại làng Mơ Nú xã Ia Kênh. Ảnh: T.N
Tại các thôn, làng đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Điển hình là ông Rơ Lan Đak (làng Thông Yố) với mô hình trồng cà phê, thu nhập bình quân hàng năm hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động. Hay hộ ông Siu Uich (làng O Sơr) cần cù lao động, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi nên hiện gia đình ông có gần 2 ha đất trồng cà phê và ruộng lúa nước, hàng năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Trong khi đó, là Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Nhao 1, ông Rơ Lan Bơnh luôn gần gũi để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, vận động bà con đồng thuận trong các phong trào triển khai tại làng. Ông là người đi đầu đoàn kết tập hợp dân làng hưởng ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: làm nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác bừa bãi, sắp xếp bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vị trí phù hợp, giữ gìn vệ sinh môi trường; đóng góp kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; tham gia nâng cấp và sửa chữa hơn 5,2 km đường giao thông trong làng và đường từ làng Nhao 1 đến làng Nhao 2 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Nói về vai trò của ông Rơ Lan Bơnh, ông Puih Byup-Bí thư chi bộ làng Nhao 1-cho biết: “Phần lớn đồng bào làng Nhao 1 theo đạo Công giáo và đạo Tin lành. Với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông Rơ Lan Bơnh đã tích cực vận động bà con theo đạo chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, sống “tốt đời-đẹp đạo”, hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa của làng chiếm hơn 90%, tập thể làng Nhao 1 liên tục hơn 10 năm được UBND TP. Pleiku công nhận làng văn hóa”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm