Kinh tế

Ia Pa chủ động tránh hạn cho lúa Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Ia Pa là địa phương thường xuyên bị nắng hạn gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Vì vậy, vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống hạn để đảm bảo năng suất các loại cây trồng.

Vụ Đông Xuân 2017-2018, Ia Pa gieo trồng được hơn 9.300 ha cây các loại, trong đó có hơn 4.000 ha lúa nước (1.500 ha lúa nước thủy lợi Ayun Hạ và 2.510 ha lúa nước trạm bơm). Thông thường, vào sau Tết Nguyên đán hàng năm, một số cánh đồng ở các xã: Chư Răng, Kim Tân, Pờ Tó, Chư Mố, Ia Kdăm, Ia Tul đã xảy ra tình trạng hạn cục bộ do nguồn nước trạm bơm thiếu hụt. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết cánh đồng lúa Đông Xuân vẫn đang xanh tốt.

 

Sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới để chống hạn cho lúa Đông Xuân. Ảnh: Đ.P

Có được kết quả đó là nhờ mùa mưa năm 2017 kết thúc muộn, lượng nước trên bề mặt đất và các sông, suối tương đối dồi dào, đảm bảo cho các trạm bơm điện hoạt động bình thường. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đã chỉ đạo UBND các xã và các hợp tác xã (HTX) nạo vét kênh mương, hạ thấp đầu hút một số trạm bơm điện, khơi dẫn dòng vào bể hút đảm bảo đủ nước phục vụ các cánh đồng; đồng thời, vận động người dân gieo sạ các giống lúa có thời gian sinh trưởng trung bình và ngắn ngày (90-115 ngày) như: LH12, ML 48, ML 49, OM4900, TH6, MT10… để tránh hạn vào cuối vụ.

Xắn quần lội bì bõm trong đám ruộng lúa hơn 3 sào đang thời kỳ đẻ nhánh ở cánh đồng Ia Tul, anh Ksor Ban (thôn Bia A, xã Ia Tul) phấn khởi nói: “Nhờ cuối năm ngoái mưa nhiều nên ruộng đồng đủ nước, chúng tôi cũng tranh thủ sạ lúa sớm và tập trung chăm sóc. Hiện cây lúa đang thời kỳ đẻ nhánh cần lượng nước nhiều, chúng tôi dẫn nước tưới đầy đủ, bón phân chăm sóc kỹ càng. Năm nay may là chưa có dịch bệnh gì nên chúng tôi hy vọng lúa Đông Xuân sẽ được mùa”.

Huyện Ia Pa chỉ có một phần diện tích cây trồng ở các xã Ia Trok và Ia Ma Rơn được hưởng lợi từ hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi Ayun Hạ (khoảng 1.500 ha lúa nước). Phần lớn diện tích lúa Đông Xuân còn lại (khoảng 2.510 ha) phải sử dụng nguồn nước tưới của hơn chục trạm bơm điện. Như vậy, tính tổng thể thì các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện mới chỉ đáp ứng nước tưới cho hơn 40% diện tích cây trồng vụ Đông Xuân. Do đó, mặc dù lượng mưa cuối năm ngoái nhiều nhưng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện vẫn chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng-chống hạn cho các loại cây trồng vụ Đông Xuân cũng như đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất cả năm.

Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho hay: “Do đặc thù của địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nắng hạn nên UBND huyện đã chỉ đạo triển khai mạnh mẽ việc xây dựng hệ thống kênh mương, gia cố, nâng công suất các trạm bơm điện để phát huy tốt hiệu quả tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân. Đồng thời, huyện vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với đó, người dân cũng đã ý thức được việc sử dụng nước hợp lý tại hơn 300 giếng khoan do họ tự làm từ các năm trước để chủ động nước tưới cho cây trồng”.

Riêng đối với Trạm bơm điện Ia Tul 2, do hệ thống kênh chính không đảm bảo dẫn nước để phục vụ tưới cho 140 ha lúa, bước vào vụ Đông Xuân 2017-2018, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp UBND xã vận động người dân chuyển đổi 15 ha đất lúa sang trồng khoai lang để giảm bớt lượng nước tưới. Đồng thời, chỉ đạo nạo vét đất đá, vật cản trên kênh chính, tăng thời lượng bơm tưới, mở nước luân phiên cho các nhánh kênh ở xa nên vẫn đảm bảo nước tưới.

Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống hạn nên hiện nay các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2017-2018 ở huyện Ia Pa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, có một số diện tích lúa trà sớm đã làm đòng, trổ bông, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, dẫn nước tưới đủ cho lúa, hy vọng cho một vụ mùa bội thu.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm