Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ia Pa đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 20-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Chương trình tọa đàm đã nhận được 45 tham luận của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và một số tổ chức cơ sở Đảng. Từ số báo hôm nay, Báo Gia Lai mở chuyên mục “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” trích đăng các tham luận trên.

Đảng bộ huyện Ia Pa được thành lập ngày 20-2-2003 theo Quyết định số 404-QĐ/TU của Tỉnh ủy Gia Lai. Hiện nay, toàn huyện có 38 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, 111 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 1.807 đảng viên; 51/51 chi bộ thôn, làng đều có chi ủy.

Trên chặng đường hơn 19 năm xây dựng và phát triển, song song với công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ, Đảng bộ huyện Ia Pa luôn coi trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác tư tưởng có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Việc quán triệt, triển khai, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được tổ chức nghiêm túc, bài bản, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống kết nối trực tuyến đến cơ sở, tạo điều kiện mở rộng đối tượng người nghe, chất lượng được nâng lên, tiết kiệm thời gian và chi phí. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, có chiều sâu và dần đi vào thực chất. Công tác giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng gắn với tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ được chú trọng đổi mới về nội dung, phương pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1945-2012 đã hoàn thành, có 2/9 xã hoàn thành công tác biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng giai đoạn 1945-2018, bước đầu lồng ghép nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền giáo dục trong đoàn viên, thanh niên. Hoạt động tuyên truyền, văn hóa-văn nghệ, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát huy ưu thế, hiệu quả của các loại hình tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc về tư tưởng chính trị, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

 Quang cảnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Pa lần thứ 12 (mở rộng). Ảnh: Mai Linh
Quang cảnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Pa lần thứ 12 (mở rộng). Ảnh: Mai Linh

Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân trong huyện học tập và làm theo Bác. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên và xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập, công tác, lao động sản xuất.

Có thể nói, thông qua việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện nhận thức rõ thời cơ và thách thức của đất nước nói chung, tình hình thực tế của huyện Ia Pa nói riêng; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội; từ đó làm nên những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra trong các nhiệm kỳ đại hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức của Đảng bộ huyện vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, Đảng bộ huyện chưa xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, đề án chuyên đề về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Nhiều chi bộ chưa chú trọng tổ chức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tư tưởng; chất lượng, hiệu quả chưa cao. Công tác tư tưởng có nơi, có lúc thiếu kịp thời, chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao; một số cán bộ, đảng viên vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ở một số chi bộ, Đảng bộ còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức học tập, nghiên cứu nghị quyết của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục lý luận chính trị mặc dù đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao, nội dung vẫn còn nặng về lý luận, thời gian trao đổi chưa nhiều, việc gắn giữa lý luận và thực tiễn chưa nhuần nhuyễn, thiếu sinh động, chưa thu hút, hấp dẫn người học. Một số tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, còn chậm trong tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện ủy. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) ở một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chưa đi vào chiều sâu. Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội có thời điểm, có việc chưa kịp thời; việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận trước một số sự việc phức tạp, nhạy cảm còn chậm; công tác tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch trên mạng xã hội còn hạn chế, chưa có các bài viết có lý luận sắc bén, đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức nên chưa thực sự quan tâm đúng mức và thường xuyên.

Trong thời gian tới, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức vừa có những thuận lợi cơ bản, song cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức trong toàn Đảng bộ.

Một là, tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhất là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, thực hiện thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị; đồng thời phát huy cao độ vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự làm công tác tư tưởng cho chính mình, đến gia đình, người thân và làm tư tưởng cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi, qua đó tạo “sức đề kháng” trước âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không dao động, không hoang mang trước những khó khăn, thách thức.

Hai là, xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, đề án chuyên đề xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực này.

Quang cảnh buổi tọa đàm về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề tự soi, tự sửa tại xã Kim Tân. Ảnh: Vũ Chi
Quang cảnh buổi tọa đàm về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề tự soi, tự sửa tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi


Ba là, đổi mới, nâng cao tính chiến đấu của công tác chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc, thù địch trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng bộ và Nhân dân.

Bốn là, thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hình thức nêu gương, xây dựng, biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa trong cộng đồng.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức có tư duy và bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, am hiểu rộng các lĩnh vực; có kỹ năng tham mưu, tuyên truyền, vận động, nói, viết thuyết phục, sắc bén.

Sáu là, chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người dân để có biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh.

 

 NGUYỄN MINH TRƯỞNG

 

Có thể bạn quan tâm