Vụ Đông Xuân 2022-2023 và vụ mùa 2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai Dự án hỗ trợ giống lúa mới, liên kết phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa. Dự án được triển khai tại 9 xã: Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân, Ia Ma Rơn, Ia Trok, Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm với diện tích 2.090 ha của 5.051 hộ dân tham gia, trong đó có 4.068 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ triển khai dự án là hơn 5,05 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
Các hộ ở xã vùng I tham gia dự án được hỗ trợ 70% lúa giống TBR97, ĐT100, Đài Thơm 8, BC15, còn các hộ ở xã vùng II, vùng III được hỗ trợ 100%. Ngoài ra, các hộ còn được đối ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động; được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
Ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Trước đây, người dân thường sử dụng giống lúa cũ từ những vụ trước để lại dẫn đến giống bị thoái hóa. Bên cạnh đó, thời vụ gieo sạ không tập trung, chế độ chăm sóc chưa bài bản nên năng suất lúa thường chỉ đạt 6-6,5 tấn/ha. Từ khi huyện triển khai dự án hỗ trợ giống lúa mới, hướng dẫn quy trình sản xuất, bà con đã thay đổi tập quán canh tác. Lượng lúa giống gieo sạ tiết kiệm được 80-100 kg/ha nhưng năng suất trung bình đạt 7-9 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt trên 10-11 tấn/ha, cao hơn những giống trước đây 1,5-2 tấn/ha.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa Lê Văn Nguyên (bìa phải) kiểm tra sự phát triển của giống lúa TBR97 tại xã Ia Ma Rơn. Ảnh: L.N |
Ông Phạm Văn Huynh (thôn 2, xã Pờ Tó) cho hay: Vụ mùa 2023, gia đình ông được hỗ trợ 200 kg lúa giống TBR97 để gieo trồng 2 ha. Ngoài ra, ông mua thêm 200 kg lúa giống này để gieo trồng trên diện tích còn lại của gia đình. Nhờ được gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý nên lúa phát triển tốt.
“Năm nay, trồng lúa giống mới vừa được mùa, vừa được giá. Tôi vừa thu hoạch xong, năng suất lúa đạt 8,5-9 tấn/ha, cao hơn 1-2 tấn/ha so với giống lúa cũ. Lúa tươi bán ngay tại ruộng giá 6,5-7 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha”-ông Huynh phấn khởi nói.
Tương tự, vụ mùa 2023, xã Ia Ma Rơn có 81 hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ giống lúa mới TBR97 để gieo trồng 70 ha. Ông Rơ Mah Do (thôn Ama Rin 1) chia sẻ: Gia đình được hỗ trợ 49 kg lúa giống TBR97 để sản xuất 7 sào. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn, hợp với khí hậu, đất đai ở vùng này, kháng bệnh tốt, chất lượng gạo dẻo và thơm ngon. Gia đình đang thu hoạch và dự kiến năng suất đạt trên 7 tạ/sào, cao hơn 1-1,5 tạ/sào so với giống cũ.
Còn theo ông Siu Djer-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ia Ma Rơn: Vụ mùa 2023, Hợp tác xã đã liên kết với 81 hộ dân sản xuất 70 ha lúa giống TBR97. Hợp tác xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân tham gia thực hiện dự án. Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch gần xong diện tích liên kết sản xuất, năng suất lúa bình quân đạt 7-8 tấn/ha. Ngoài ra, giá lúa năm nay cũng tăng nên người dân rất phấn khởi.
Người dân Ia Pa thu hoạch lúa vụ Mùa 2023 bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: L.N |
Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Hàng năm, người dân trên địa bàn huyện sản xuất khoảng 3.000 ha lúa vụ Đông Xuân và khoảng 5.700 ha lúa vụ mùa. Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân huyện, UBND xã và các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với nhau trong triển khai dự án. Việc triển khai dự án giúp nông dân tiếp cận với giống lúa mới, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa có năng suất, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
“Bên cạnh đó, dự án còn giúp người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa để nâng cao năng suất lúa, tăng thu nhập. Hiện nay, huyện đã có sản phẩm gạo TBR97 của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng (xã Pờ Tó) đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi định hình được một số giống lúa chất lượng cao, huyện sẽ làm các thủ tục để xây dựng thương hiệu gạo Ia Pa”-ông Đức thông tin thêm.