Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ia Pa tận dụng nguồn lực để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa (tỉnh Gia Lai) cũng tập trung chỉ đạo chuẩn bị để Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII diễn ra đúng kế hoạch và thành công. Dự thảo văn kiện trình Đại hội được đầu tư kỹ lưỡng, trong đó có việc đánh giá sát đúng, thực chất kết quả nhiệm vụ đặt ra từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII.


Làm tốt vai trò lãnh đạo, điều hành


Trong nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ huyện Ia Pa đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định rõ các chương trình trọng tâm, ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo triển khai thực hiện với những giải pháp phù hợp, quyết tâm cao. Trong đó có chủ trương lớn thể hiện ở Nghị quyết 02-NQ/HU ngày 26-10-2016 về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; Đề án bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn...

 Một góc khu trung tâm huyện Ia Pa. Ảnh: NGUYỄN TÚ
Một góc khu trung tâm huyện Ia Pa. Ảnh: Nguyễn Tú


Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết giảm nghèo nhanh và bền vững thể hiện trí tuệ, tâm huyết, quyết tâm của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của địa phương. “Bởi lẽ, với một huyện thuần nông nhưng không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất nhiều hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu, thời tiết khắc nghiệt... thì xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu đối với cấp ủy, chính quyền huyện”-ông Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa-nhấn mạnh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, ngoài việc ban hành chương trình, kế hoạch với các giải pháp phù hợp, các cấp ủy tập trung chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động. Đặc biệt là thực hiện các đột phá chiến lược, đề án quan trọng; cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch vào cuộc sống, nhất là ở cơ sở.

Cùng với đó, hàng năm, huyện còn lựa chọn và xác định chủ đề chính để tập trung nguồn lực, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. “Hội đồng nhân dân huyện đã phát huy vai trò cơ quan quyền lực ở địa phương trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, xây dựng nghị quyết, cụ thể hóa các chỉ tiêu nhiệm vụ toàn khóa, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở địa phương. Thường trực HĐND huyện còn phối hợp giám sát các vấn đề cử tri quan tâm để kịp thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước khắc phục các tồn tại, hạn chế”-bà Rah Lan HDry-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện-cho biết.

Trong khi đó, UBND huyện thể hiện tính chủ động sáng tạo trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội với nhiều nội dung trọng tâm như: khai thác nguồn thu, tiết kiệm chi để đầu tư phát triển, bố trí hợp lý nguồn lực cho các dự án cấp thiết, có giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh trong các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển đời sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội.

Trên cơ sở của các chủ trương, nghị quyết, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phát động rộng rãi các phong trào thi đua; đề cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân, cá nhân người đứng đầu các cấp, các ngành, kết quả cuối nhiệm kỳ, nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu đều đạt và vượt so với nghị quyết.

Nổi bật là cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 thể hiện tại Nghị quyết số 02-NQ/HU, Chỉ thị 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, Kế hoạch 43-KH/HU thống nhất đồ án sắp xếp, bố trí dân cư để xây dựng các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo hướng làng nông thôn mới. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư kiên cố hóa kênh mương... đều đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Những kết quả sinh động, thuyết phục

Khái quát sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, ông Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy-cho biết: Kinh tế-xã hội đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm, vượt 36% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp bước đầu hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; một số trang trại chăn nuôi công nghệ cao ra đời. Ngành công nghiệp-xây dựng tạo ra giá trị sản xuất đáng kể, chiếm tỷ trọng 26% quy mô nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng.

Huyện huy động các nguồn lực được 261 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2020 có 2 xã đạt chuẩn. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao... cũng được quan tâm đúng mức. Quốc phòng-an ninh được củng cố vững chắc, công tác xây dựng hệ thống chính trị cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cửa ngõ dẫn vào huyện Ia Pa. Ảnh: T.S
Cửa ngõ dẫn vào huyện Ia Pa. Ảnh: Thất Sơn


Nói về thành tựu kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Thế Hùng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho rằng: Điểm nhất quán là huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng đất đai, thế mạnh phát triển nông nghiệp, lấy đây làm tiền đề để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng dân tộc thiểu số. Bằng chứng là huyện đã xây dựng được nhiều mô hình, dự án đưa các giống cây-con mới, năng suất, chất lượng vào trồng trọt, chăn nuôi; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. So với đầu nhiệm kỳ, năng suất mía tăng 22 tạ/ha, mì tăng 22 tạ/ha, thuốc lá tăng 38 tạ/ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 6,61%. Trong nhiệm kỳ, địa phương đã chuyển đổi thành công 3.180 ha lúa kém hiệu quả, mía bị trắng lá, mì bị khảm lá sang cây trồng hiệu quả hơn.

Các xã: Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân, Ia Ma Rơn, Ia Trok, Ia Tul... bây giờ đâu đâu cũng sôi nổi bàn chuyện làm ăn, khởi nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu xã Pờ Tó nổi tiếng với mô hình trồng mía, trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn thì Ia Tul là xã trồng cây đinh lăng, cải tạo đàn dê địa phương, nuôi heo rừng lai, xã Ia Trok thì khích lệ nông dân thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, đến nay không còn nhà ở tạm bợ, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế có thôn Bình Tây (xã Chư Răng). Đến đây, không ai là không xuýt xoa cảm phục nghị lực và quyết tâm làm giàu trước mô hình trồng lúa của các ông: Tống Mạnh Dũng, Lê Văn Theo... cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây thuốc lá của ông Võ Tấn Nhiên cho thu nhập 300 triệu đồng/năm; mô hình gia trại của ông Phùng Mạnh Dũng cho thu nhập 350 triệu đồng/năm...

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đoàn viên, hội viên, bà con các dân tộc trong huyện còn tích cực tham gia các hoạt động và phong trào vì cuộc sống cộng đồng để cuộc sống tốt đẹp hơn. Già làng Nay Choan (buôn Trôk, xã Ia Trok) không chỉ chăm chỉ làm ăn, mà còn vận động con cháu chăm ngoan, học giỏi, chi tiêu tiết kiệm để không phải đói nghèo. Cũng chính ông đi đầu vận động bà con trong buôn đóng góp hơn 240 triệu đồng, hơn 1 ngàn ngày công làm đường nội thôn dài 1,4 km, xây dựng sân bóng chuyền cho thanh niên tập luyện, thi đấu.

“Đứng mũi chịu sào”, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Siu Trol (buôn Tơ Khế, xã Ia Tul) là một hình mẫu khác. Tuy mới 32 tuổi nhưng anh Trol có 12 năm liên tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Miệng nói tay làm, anh đã vận động 155/166 gia đình trong buôn làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; 60/94 hộ thực hiện di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm nhà sàn. “Cả 15 đảng viên trong Chi bộ và nhân dân trong buôn khi tôi kêu gọi, đã nhất trí đóng góp gạo, kinh phí hỗ trợ các gia đình nghèo, neo đơn”-anh Siu Trol cho biết.

Với sự đồng lòng chung sức góp phần vì sự nghiệp chung, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên, nhân dân các dân tộc huyện Ia Pa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để làm nên những thành công nhất định trong một nhiệm kỳ đại hội. Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, đòi hỏi cần có chương trình, kế hoạch phù hợp, phát huy bài học kinh nghiệm, tận dụng nguồn lực để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.

Mục tiêu trước mắt là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Năng động sáng tạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng huyện Ia Pa phát triển nhanh và bền vững”-Bí thư Huyện ủy Ia Pa nhấn mạnh.

 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm