Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ia Phí xóa bỏ tập tục lạc hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình “Xóa bỏ tập tục trong ma chay, cưới hỏi và các tập tục lạc hậu khác trong cộng đồng dân cư” tại xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân.
Xã Ia Phí có 1.700 hộ với 6.800 khẩu. Là xã vùng III nên đời sống của người dân Ia Phí gặp nhiều khó khăn. Trước đây, mỗi khi có lễ hội, nhà có tang ma hay cưới hỏi, phần lớn người dân thường tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày. Tùy hoàn cảnh của từng gia đình mà số lượng trâu, bò, heo bị giết thịt cũng tăng theo. Hộ nào khá giả thì góp con heo, con bò cùng với ché rượu, còn những hộ nghèo dù không có nhưng vẫn cố vay mượn để tỏ thành ý đối với gia chủ. Mục đích của việc góp trâu, bò, heo là để đãi anh em, họ hàng, bà con, làng xóm cũng như chia sẻ mất mát với gia đình.
Ông Rơ Châm Uynh (làng Kép) đã quá quen với việc góp bò, heo cho anh em, họ hàng mỗi khi những gia đình này có người chết. Ông Uynh chia sẻ: “Trước đây, khi có người chết, dân làng thường hay góp bò, heo cho nhau, đôi lúc không có cũng phải vay mượn chỗ này chỗ kia, đến khi thu hoạch lúa, mì mới trả. Nếu may mắn, vụ mùa bội thu mình cũng trả được, chứ lúc mất mùa thì phải nợ đến năm sau nữa”.
Còn ông Rơ Châm Uir-Trưởng thôn Kte thì cho biết: “Mỗi khi làng có tang ma, cưới hỏi hay các dịp lễ khác như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, người dân thường hay góp của, mang rượu đến tổ chức ăn uống cả tuần, bỏ bê công việc, lãng phí tiền của. Việc mổ heo, bò cũng không đảm bảo vệ sinh, rất dễ phát sinh dịch bệnh, gây ngộ độc thực phẩm; thậm chí còn dẫn đến cãi cọ, xích mích gây mất an ninh trật tự”.
Mô hình xóa bỏ tập tục trong ma chay, cưới hỏi và các tập tục lạc hậu khác được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Ảnh: R'Ô Hok
Để đẩy lùi tình trạng này, ngoài việc tích cực vận động, tuyên truyền người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, Đảng ủy, UBND xã Ia Phí còn triển khai kế hoạch hành động và thành lập mô hình “Xóa bỏ tập tục ma chay, cưới hỏi và các tập tục lạc hậu khác trong cộng đồng dân cư” tại 3 làng: Kép, Yăng 2, Yăng 3. Thời gian đầu triển khai thực hiện mô hình gặp khó khăn do một bộ phận người dân chưa thực sự đồng tình.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của các già làng, người uy tín trong việc tuyên truyền, vận động, từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân. Đến nay, thời gian tổ chức ma chay, cưới hỏi đã được rút ngắn, tiết kiệm hơn; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng được đẩy lùi.
Để mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả, ngoài việc thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, UBND xã còn chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phát tài liệu giáo dục pháp luật đến từng hộ dân; thông qua các buổi họp tại thôn, làng cũng định hướng, tuyên truyền để người dân hiểu và chung tay đẩy lùi tập tục lạc hậu. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn triển khai hiệu quả mô hình “Xóa bỏ tập tục trong ma chay, cưới hỏi” và mô hình “Phụ nữ không sinh con thứ 3” thu hút 21 hội viên tham gia.
Là người nhiệt tình hưởng ứng mô hình này, bà Rơ Châm H’Ameh (làng Kép) cho biết: “Hiện nay, chị em phụ nữ chúng tôi đã hiểu việc cưới xin, ma chay cần phải tiết kiệm, không góp heo, bò như xưa nữa, rất tốn kém. Ngoài ra, chúng tôi cũng giáo dục con em chăm lo học hành, không lấy vợ, gả chồng sớm, tránh vi phạm pháp luật”.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Lao-Chủ tịch UBND xã Ia Phí-cho biết: “Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mô hình xóa bỏ tập tục trong ma chay, cưới hỏi và các tập tục lạc hậu khác được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Từ khi triển khai đến nay, nhận thức của bà con đã có chuyển biến tích cực, một số hủ tục được đẩy lùi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại 13 thôn, làng nhằm đẩy lùi các hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm