Kbang hướng đến phát triển du lịch xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việc cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã mở ra triển vọng để huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Du lịch xanh với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế cho người dân là mục đích mà địa phương đang hướng đến.

Kbang được mệnh danh là “điểm đến của các di sản và thiên nhiên kỳ thú” bởi vẻ đẹp hoang sơ, “rừng xanh, thác trắng, sương mờ” với hàng chục ngọn thác và lòng hồ thủy điện Ka Nak. Theo ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng: Đơn vị đã xây dựng đề án khai thác du lịch sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng tại Kon Chư Răng. “Khai thác du lịch sinh thái sẽ sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú hiện có của Khu bảo tồn thiên nhiên, góp phần thực hiện các cam kết của tỉnh cũng như Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học”-ông Ty khẳng định.

Du khách chụp hình lưu niệm bên thác 50 (Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: Minh Nguyễn
Du khách chụp hình lưu niệm bên thác 50 (Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: Minh Nguyễn


Trong khi đó, với lợi thế là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang hướng đến việc quảng bá, giới thiệu với bạn bè thế giới những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn, quản lý bền vững thiên nhiên. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho rằng: Vườn có diện tích rộng lớn (41.913,78 ha) với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều loài cây quý hiếm, đường kính lớn, các loài động vật hoang dã nằm trong Sách Đỏ Việt Nam… rất thuận lợi trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch.

Theo ông Thắng, đơn vị đã khảo sát và bước đầu phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch được cung ứng từ rừng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng. Đặc biệt, hành trình chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh sẽ là một tuyến khám phá có sức hấp dẫn đối với du khách. Cùng với đó, đơn vị mời các công ty lữ hành đến khảo sát, kêu gọi liên doanh, liên kết đầu tư phát triển du lịch.

Ngoài phong cảnh thiên nhiên hữu tình, Kbang còn thu hút du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa bản địa người Bahnar với các lễ hội dân gian, thưởng thức âm thanh cồng chiêng; ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm; các sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên cũng rất phong phú như: nấm linh chi, nấm lim xanh, sâm dây, mật ong rừng và các món ăn bản địa đặc trưng như: cơm lam-gà nướng, lá mì-cà đắng, thịt nướng cùng với hương rượu cần thơm ngon…

Thác Kon Bông ở xã Đak Rong, huyện Kbang. Ảnh: Minh Nguyễn
Thác Kon Bông ở xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: Minh Nguyễn


Theo ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, Kbang có gần 1.000 ha cây ăn quả đa dạng về chủng loại như: cam, quýt, chuối, ổi, nhãn, vải, mít, sầu riêng, bơ, xoài, dừa… Trong tương lai gần, Kbang sẽ trở thành “miệt vườn” của tỉnh. Đây cũng là một trong những thuận lợi để phát triển du lịch xanh.

Ngoài ra, huyện cũng có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa như: Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu; Làng kháng chiến Stơr; Khu di tích lịch sử của tỉnh tại xã Krong; Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak. “Sắp tới, huyện sẽ hướng các địa phương tiếp tục nghiên cứu thành lập các tổ đan lát, dệt thổ cẩm, thử nghiệm các mô hình dịch vụ homestay; khai thác thế mạnh của địa phương về văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng để tạo sức bật phát triển du lịch”-ông Phương thông tin.

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm