Kbang: Khó khăn trong công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu tháng 9 đến nay đã có khoảng 20 người dân huyện Kbang phải nhập viện điều trị vì bị sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế dự phòng huyện thường xuyên tuyên truyền cách phòng-chống nhưng một bộ phận nhân dân còn lơ là trước căn bệnh này và đây là nguyên nhân làm cho bệnh lây lan nhanh và có thể dẫn đến bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Kbang, tích lũy số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay là 87 người, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh. Nếu như ở những tháng trước đó, trung bình mỗi tuần có khoảng 2-3 bệnh nhân được ghi nhận thì trong 3 tuần gần đây mỗi tuần có thêm 5- 7 bệnh nhân.

 

 

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm, tốc độ lây truyền nhanh, chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng ngừa. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 và không phân biệt đối tượng cụ thể. Người già, thanh niên hay trẻ em đều có thể bị mắc bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng huyện vẫn thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chiến dịch diệt bọ gậy (loăng quăng)… song số người mắc bệnh vẫn đang ngày một gia tăng và khó kiểm soát.

Một trong những nguyên nhân là do nhận thức của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số về bệnh sốt xuất huyết vẫn còn mơ hồ và khá chủ quan trong công tác phòng-chống bệnh tại nhà. Đa số những trường hợp sốt xuất huyết có biến chứng nặng, nguyên nhân chủ yếu thường là do chủ quan, chậm trễ đến bệnh viện để chữa trị, làm cho bệnh nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bà Đinh Thị An, ở làng Tờ Mật, xã Đông, cho biết: “Đa số người dân làng mình chưa hiểu hết về bệnh sốt xuất huyết, cứ chủ quan chỉ là sốt bình thường thôi, uống thuốc, tiêm ngoài một, hai liều là khỏi”.

Bên cạnh đó, ở một số thôn làng khác như làng Ró, xã Đông, có người hầu như không biết gì về bệnh sốt xuất huyết. Ông Đinh Quất, làng Ró, xã Đông, nói: “thấy người dân trong làng bị bệnh mình lo lắm nhưng không biết nó có lây lan không, có nguy hiểm không và mình cũng không biết cách phòng-chống như thế nào cả. Mình mong chính quyền địa phương tuyên truyền và hướng dẫn cho bà con hiểu thêm về căn bệnh và cách phòng tránh”.

Theo danh sách giám sát sốt xuất huyết năm 2013 của Trung tâm Y tế, bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện ngay từ đầu năm. Điều đáng nói là bệnh tập trung nhiều nhất ở trẻ từ 1 đến 15 tuổi thì tại huyện Kbang chỉ có khoảng 30% ca nằm trong độ tuổi này, còn lại là số bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên. Điều này phần nào cho thấy người dân đang mất cảnh giác, chủ quan trước những diễn biến phức tạp của bệnh.

Theo ông Thái Minh Tây- cán bộ phụ trách chương trình phòng-chống dịch sốt xuất huyết-Ban Y tế dự phòng huyện, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh và ngày càng khó kiểm soát chủ yếu là ở ý thức người dân chưa cao trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch, cũng như phối hợp với địa phương tổ chức các đợt vệ sinh quanh khu vực sinh sống. Đặc biệt, thời tiết hiện nay đang vào mùa mưa là điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi phát triển, nếu người dân thờ ơ thì tỷ lệ mắc bệnh càng khó kiểm soát.

Để sốt xuất huyết không có cơ hội tăng cao trong cộng đồng, cơ quan chuyên môn cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng-chống bệnh đến với nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang Tấn-Thủy Tiên

Có thể bạn quan tâm