(GLO)- Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện Kbang đã được củng cố, phát triển và hoạt động ngày càng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Cán bộ y tế xã Tơ Tung (huyện Kbang) chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Ảnh: Đức Thụy |
Đến nay, trên địa bàn huyện Kbang có Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện (trong đó có Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Đa khoa, 2 phòng khám khu vực tại xã Sơn Lang và xã Tơ Tung), 14 trạm y tế xã, thị trấn với 160 giường bệnh, trong đó bệnh viện huyện 80 giường; phòng khám khu vực 20 giường; cơ sở y tế xã, thị trấn 60 giường. Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, Bệnh viện Đa khoa huyện đã được đầu tư xây dựng mới phòng mổ, khoa sản, khoa nhi, nâng cấp nhà điều trị, nhà làm việc của Ban Giám đốc; đồng thời, đầu tư mua sắm nhiều trang-thiết bị hiện đại, phục vụ công tác khám-chữa bệnh trên địa bàn. Các phòng khám khu vực, trạm y tế xã cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị đáp ứng yêu cầu khám và điều trị bệnh. Cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế Dự phòng huyện được đầu tư xây dựng khang trang; điều kiện làm việc, y cụ phục vụ công tác chuyên môn tiếp tục được đầu tư mua sắm đã phục vụ tốt cho công tác phòng-chống dịch bệnh.
Đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở không ngừng lớn mạnh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Toàn ngành hiện có 183 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 35 bác sĩ, 41 y sĩ, 25 nữ hộ sinh, 52 điều dưỡng, 8 kỹ thuật viên, 8 dược sĩ trung học. Thực hiện chủ trương đưa bác sĩ về tuyến xã, đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn có bác sĩ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh; 146/146 thôn, làng có nhân viên y tế (không tính tổ dân phố). Hiện 13/14 trạm y tế xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đội ngũ làm công tác y tế dự phòng không ngừng được củng cố và tăng cường nên làm tốt công tác phòng bệnh tại cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở; công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho cán bộ lãnh đạo ngành Y tế huyện tiếp tục được quan tâm. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên ở các trạm y tế được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng. Đến nay, ngành Y tế huyện có 78 đảng viên; 5/14 trạm y tế xã, thị trấn có tổ chức Đảng.
Nhờ củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở nên hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên đáng kể. Đến nay, tổng số bệnh nhân vào khám tại các tuyến y tế của huyện là 75.355 lượt người/năm, công suất sử dụng giường bệnh là 142% (vượt 5% so với năm 2007). Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa huyện đã triển khai được một số kỹ thuật mới như: mổ kết hợp xương đòn, xương cánh tay, nội soi tai-mũi-họng... Các phòng khám khu vực, trạm y tế xã cũng đáp ứng yêu cầu khám và điều trị bệnh ở cơ sở. Việc triển khai Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh đã góp phần giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên. Các mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, khám-chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách; cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số... đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác y tế dự phòng chuyển biến tích cực, từ một huyện trọng điểm có tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét cao của tỉnh, đến nay, Kbang đã khống chế và không có bệnh nhân mới phát sinh. Việc quản lý và phát huy vai trò của y tế ngoài công lập được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 phòng khám tư nhân; 16 quầy thuốc, nhà thuốc và 1 quầy thuốc Đông y tư nhân tại thị trấn Kbang.
Công tác phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại nhằm phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được triển khai và bước đầu đạt một số kết quả. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập Phòng Y học cổ truyền với 6 y sĩ; đồng thời, đã cử 3 y sĩ đi đào tạo trình độ bác sĩ y học cổ truyền. Trong thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã điều trị cho 677 bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền, các hoạt động điều trị phối hợp Đông-Tây y đã mang lại hiệu quả. Trung tâm Y tế huyện đã duy trì vườn thuốc Nam chuẩn gồm 45 cây thuốc do Bộ Y tế quy định và một số cây thuốc gia truyền có sẵn trên địa bàn; 13 trạm y tế xã đều có vườn thuốc Nam.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ở huyện Kbang ngày càng được củng cố và phát triển, đội ngũ cán bộ y tế không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là cho các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số… đã được cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Ngọc Hải