Kbang: Triển vọng phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi còn công tác ở Báo Gia Lai, nhiều lần tôi về công tác ở huyện Kbang, Gia Lai và làm việc với anh Võ Văn Phán, bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện (nay là Chủ tịch UBND huyện) về việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong các điểm nhấn về phát huy thế mạnh của huyện, anh Phán luôn quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở vùng đất này.
Bên cạnh các điều kiện về sự phong phú văn hóa các dân tộc bản địa, về lịch sử từ thời Tây Sơn đến 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, môi trường thiên nhiên trên mảnh đất này tương đối còn nguyên sơ, thích hợp cho du lịch trekking qua những cánh rừng nguyên sinh, khám phá những thác nước kỳ vĩ. Nơi đây không những là “đầu nguồn” cách mạng của địa phương trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ với các địa danh lịch sử như Làng kháng chiến Stơr, căn cứ kháng chiến Krong (Khu 10) với thị trấn Dân Chủ nổi tiếng một thời… mà còn là đầu nguồn của 2 con sông lớn: sông Ba đổ về cửa Đà Diễn (tỉnh Phú Yên) và sông Kôn chảy ra cửa Thị Nại (tỉnh Bình Định). Nếu ngành Du lịch phát triển mạnh trong tương lai, chúng ta có thể kết nối nhiều tour trong vùng tùy theo các loại hình du lịch mà du khách yêu cầu, như kết nối tour văn hóa-lịch sử, tour du lịch biển-rừng, tour khám phá thiên nhiên rừng nguyên sinh (Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng hoặc du lịch trekking khám phá các dòng thác đẹp).
 Du khách tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Bùi Tấn Sĩ
Du khách tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Bùi Tấn Sĩ
Và cũng chính nơi đây, qua con đường Trường Sơn Đông kết nối từ Quảng Nam đến Lâm Đồng và nhiều vùng của Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, có thể mở rộng qua Tây Trường Sơn, đến Đông Bắc Campuchia, Hạ Lào… Với tầm nhìn về du lịch trong tương lai, Kbang có thể là điểm trung chuyển cho nhiều tour với các loại hình du lịch khác nhau, kết nối các điểm du lịch khá thú vị như miền Tây Sơn Thượng đạo và Hạ đạo, tour vùng sinh thái Măng Đen và sâm Ngọc Linh, thăm thú các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên và các dòng thác hùng vĩ của đại ngàn…
Từ thực tế của nhiều chuyến hành trình đến vùng đất Kbang, khi thì cùng những người kháng chiến đi khảo sát, tìm hiểu về lịch sử chiến khu xưa, lúc thì đi tìm đầu nguồn của dòng sông Ba và mới đây cùng nhóm bạn khám phá Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, tìm hiểu những con thác trong huyền thoại của người Bahnar…, tôi mới hiểu về sự giàu có của một vùng đất còn ẩn giấu nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai phá. Gần đây, chỉ với vài hình ảnh được những phượt thủ “khoe” lên mạng xã hội facebook như: thác Hang Én, Hang Dơi, Ba Tầng… các nhóm bạn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung đã tổ chức nhiều chuyến hành trình đến Kbang để được chiêm ngưỡng những “nàng tiên” giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Mặc dù Kbang hiện đang còn đối diện với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm khơi dậy một trong những tiềm năng còn bỏ ngỏ-du lịch, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các ban ngành của tỉnh để kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từ đó đánh thức ngành “công nghiệp không khói” phát triển đúng tầm. Hiện tại, Kbang đang quy hoạch lại, đầu tư phát triển hạ tầng cho các điểm đến như: Vườn Mít, rừng Mộ Điểu-Cánh đồng Cô Hầu (thời Tây Sơn), Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Làng kháng chiến Stơr; làm đường vào thác Hang Dơi; phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng làm đường vào thác Hang Én, Ba Tầng… Một trong các vấn đề mà địa phương còn trăn trở, đó là đội ngũ nhân viên làm du lịch chuyên nghiệp đang còn rất thiếu và chưa được quan tâm đúng mức; các cơ quan chuyên môn chưa có các phương án cụ thể để chọn lọc, cử tuyển gửi đi đào tạo đội ngũ này.
Ngay trong năm học tới, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai sẽ mở rộng Khoa Du lịch để đào tạo chính quy nhằm tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong tỉnh. Nên chăng, các tổ chức và cá nhân phối hợp với cơ sở đào tạo của tỉnh để cung cấp kịp thời một đội ngũ nhân viên làm công tác du lịch chuyên nghiệp. Bởi đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững trong tương lai.
 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm