Thời sự - Bình luận

Kết hợp truyền hình và trực tuyến để dạy và học trong vùng dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dạy học qua truyền hình, bảo đảm cho các em học sinh được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng nhất là những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đây là một nội dung tại cuộc họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ diễn ra ngày 6.9.

 

 Học sinh lớp 1 học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Tường Vân
Học sinh lớp 1 học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Tường Vân


Chỉ đạo của Thủ tướng rất đúng đắn, cần nghiêm túc triển khai thực hiện để việc dạy học qua truyền hình được phổ biến hơn, hiệu quả hơn.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thì học trực tuyến là lựa chọn đương nhiên, nhưng còn có thêm giải pháp là học qua truyền hình. Học trực tuyến còn đòi hỏi điều kiện máy móc cá nhân, nhưng học qua truyền hình thuận tiện hơn vì gần như nhà nhà đều có TV, sóng truyền hình phủ toàn quốc, đa dạng từ các kênh địa phương và Trung ương.

Đặc biệt, đối với các em tiểu học, trung học cơ sở, lượng kiến thức ít và kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ chưa cao, tính chủ động chưa tốt, thì việc học qua truyền hình rất phù hợp. Còn đối với học sinh THPT, chủ động trong học trực tuyến, học qua truyền hình để tham khảo thêm. Như hiện nay, trên một số kênh truyền hình, giáo viên dạy một số môn Toán, Văn, Anh văn...

Nhược điểm của học qua truyền hình là không có sự tương tác, cho nên kết hợp giữa học truyền hình và trực tuyến là rất cần thiết, để giáo viên hỗ trợ cho việc dạy qua truyền hình. Giáo viên đánh giá kiến thức học sinh qua phỏng vấn, trắc nghiệm, hướng dẫn, ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, giải đáp thắc mắc…

Nhưng muốn dạy học qua truyền hình, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị một kho bài giảng truyền hình chất lượng, phục vụ dạy và học cho cả nước từ lớp 1 đến lớp 12. Đáng tiếc là đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chủ động được việc này.

Cũng không nên chờ đợi và phụ thuộc hoàn toàn ở Bộ GDĐT, các địa phương vẫn có thể chủ động để tổ chức dạy và học qua truyền hình kết hợp với trực tuyến. Địa phương nào cũng có đài truyền hình, chỉ cần soạn bài giảng và phát theo khung giờ quy định để học sinh tham gia học qua truyền hình.

Đừng ngồi chờ dịch qua, đừng cho học sinh nghỉ học kéo dài để chờ hết dịch sẽ dạy bù. Không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, hãy chủ động dạy và học, dạy thật tốt và học thật tốt, đó là nhiệm vụ.

Dịch thử thách con người nhiều thứ, cũng là dịp để đo lường năng lực của cán bộ. Hãy cứ xem chất lượng dạy và học của từng tỉnh, thành thì sẽ thấy được chất lượng cán bộ của địa phương đó.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ket-hop-truyen-hinh-va-truc-tuyen-de-day-va-hoc-trong-vung-dich-950905.ldo
 

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm