Kết nối tuyến du lịch ven biển Bắc - Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển để tăng sức hút đối với các nhà đầu tư lớn vào triển khai dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ
HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông qua đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tuyến đường ven biển có điểm đầu tại Tỉnh lộ (TL) 22 (xã Điền Hương, huyện Phong Điền - giáp tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối giáp khu quy hoạch xây dựng đô thị Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ở huyện Phú Lộc.
Cần khoảng 6.320 tỉ đồng
Theo đề án điều chỉnh được ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ký trình HĐND tỉnh thẩm tra, tổng chiều dài tuyến đường này khoảng 84 km, đi qua 21 xã, thị trấn thuộc 4 huyện và 1 thị xã. Trong đó, chỉ có 56,3 km là đoạn tuyến mới, đoạn còn lại trùng với Quốc lộ (QL) 49B hiện hữu và TL22, rộng 26-36 m. Tuyến đường này sẽ kết nối vào tuyến đường du lịch ven biển xuyên suốt từ Bắc chí Nam, đi dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng mức đầu tư dự kiến của tuyến đường này là khoảng 6.547 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 sẽ triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến mới QL49B vượt qua cửa biển Thuận An để nối cầu Tam Giang (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) đến cầu Thuận An và đập Hòa Duân (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) với chiều dài khoảng 9 km. Trong đó, cầu qua cửa biển Thuận An dự kiến khoảng 2,3 km với kinh phí 1.200 tỉ đồng. Đoạn QL49B nối cầu Tư Hiền (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) đến đường ven sông Bù Lu (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) dài khoảng 9,3 km.
Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030, triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các đoạn còn lại, bao gồm tuyến đập Hòa Duân - thị trấn Thuận An - xã Vinh Hiền và đoạn từ TL22 về đến cầu Tam Giang. Giai đoạn 3 từ năm 2030-2050, triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường và hầm xuyên núi nối QL49B (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) đến tuyến 2 ven biển Cảnh Dương (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) với chiều dài khoảng 4 km.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 với số tiền 6.320 tỉ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách trung ương 3.000 tỉ đồng. Trong năm 2021, tỉnh sẽ bố trí 100 tỉ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường này.

Tuyến đường mới sẽ kích hoạt kinh tế vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế
Tuyến đường mới sẽ kích hoạt kinh tế vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế
Động lực, đòn bẩy mới
Theo quy hoạch, tuyến đường bộ ven biển nêu trên ngoài 22,6 km trùng với QL49B hiện hữu thì sau khi xây dựng xong, trừ đoạn qua cửa biển Thuận An, 2 con đường này sẽ chạy song song gần nhau.
Có ý kiến cho rằng như vậy thì chỉ cần mở rộng QL49B, không cần làm đường mới. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế (đơn vị chủ trì nghiên cứu đề án), lý giải rằng tuyến QL49B có nhiều đoạn cách bờ biển hơn 2 km, hướng tuyến lại khá vòng vèo, xuyên qua các khu dân cư đông đúc. Bề rộng mặt đường tối đa 7,5 m, một số nơi chưa tới 5,5 m. Nâng cấp QL49B lên 4 làn xe để trở thành trục đường chính du lịch ven biển sẽ rất tốn kém và nhiều vướng mắc do kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư rất lớn; gây xáo trộn và ảnh hưởng nhiều đến đời sống dân cư hai bên tuyến.
Ông Vui cho rằng nếu đầu tư theo tuyến có sẵn thì sẽ không tạo ra các không gian, nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá; việc khai thác quỹ đất hai bên QL49B để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư là rất hạn chế, không tạo được động lực mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ven biển.
Trong khi đó, quy hoạch vị trí xây dựng tuyến đường mới đi vào gần bờ biển hơn, cách bờ không quá 1 km, chỗ cục bộ không quá 2 km. Mặt khác, tuyến đường này không đi qua khu dân cư mà chủ yếu ở các khu vực đất trống, đất rừng sản xuất, trồng keo tràm nên sẽ khắc phục các nhược điểm trên, ít vướng giải phóng mặt bằng.
"Tuyến đường này hình thành sẽ thu hút thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại đây. Qua đó tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ vùng ven biển phát triển nhanh và bền vững, góp phần làm tăng thêm nguồn thu ngân sách" - ông Nguyễn Đại Vui phân tích. 
Đường ven biển giúp du lịch miền Trung cất cánh
Trước năm 2010, TP Đà Nẵng đã xây dựng tuyến đường ven biển thuộc địa phận 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn dài 27 km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam là đường Hoàng Sa - Trường Sa. Từ khi tuyến đường ven biển này được hình thành, TP Đà Nẵng phát triển nhộn nhịp hơn về kinh tế, du lịch. Nhiều khu resort đẳng cấp quốc tế đã mọc lên trên tuyến đường này cùng với hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất.
Tại tỉnh Quảng Nam, cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển Hội An - Tam Kỳ đưa vào sử dụng đã khơi thông trục đường ven biển dài khoảng 60 km nối TP Tam Kỳ với TP Đà Nẵng. Khu vực ven biển các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ mà tỉnh Quảng Nam gọi là vùng Đông cũng thực sự chuyển mình.
Ở Quảng Ngãi, kể từ khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh kết nối với các tỉnh Quảng Nam và Bình Định được xây dựng, rất nhiều dự án lớn cũng được đầu tư, đưa vùng đất ngày xưa vốn là những đồi cát trắng "cất cánh".
M.Trung
Bài và ảnh: Quang Tám (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm