Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) được nhiều du khách chọn làm điểm đến cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm. 
Khai thác tiềm năng
Với diện tích mặt nước rộng 37 km2 cùng với hệ sinh thái phong phú, hồ Ayun Hạ (xã Ayun Hạ) là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ đi thuyền ngắm cảnh quan tươi đẹp, tận hưởng không khí trong lành. Ngoài ra, xã Ayun Hạ còn có lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh đặc sắc với Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi, chùa Quang Sơn… Vào dịp lễ 30-4 hàng năm, tại Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi, UBND huyện Phú Thiện đã tái hiện lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui-lễ cúng cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân được no đủ, bình an. Dịp này, UBND xã Ayun Hạ đã lồng ghép mở gian hàng bày bán các sản vật của địa phương như: trái cây, chả cá thác lác, cơm lam, gà nướng… góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Sản phẩm chả cá thác lác Ayun Hạ đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cá thác lác được khai thác từ lòng hồ Ayun Hạ sau khi chế biến có độ giòn, ngon, ngọt nên được nhiều người tìm mua. Ông Ngô Viết Giỏi (thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ) chia sẻ: “Nhờ lợi thế ở gần quốc lộ 25 nên cửa hàng của tôi có đông khách ghé mua chả cá thác lác. Sắp tới, tôi dự tính mở homestay để du khách sau khi tham quan các điểm du lịch thì trải nghiệm quy trình làm chả cá thác lác”.
Hồ sen xã Ia Yeng thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Thủy Bình
Hồ sen xã Ia Yeng thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Thủy Bình
Hồ sen rộng hơn 11 ha ở xã Ia Yeng cũng là điểm đến yêu thích của du khách khi đến với Phú Thiện. Đây là hồ sen lớn nhất trong huyện do anh Nguyễn Văn Tiến quản lý. Để thu hút khách du lịch, anh Tiến đã đầu tư các nhà chòi, cầu gỗ, thuyền giúp du khách thuận lợi ngắm cảnh hồ và chụp ảnh check-in. Cùng với đó, du khách đến đây có thể trải nghiệm các hoạt động: tìm hiểu về quy trình trồng hoa, thu hoạch hạt sen… “Nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển nên tôi đã đầu tư nhiều dịch vụ ở hồ sen để thỏa mãn nhu cầu của du khách. Cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, 10 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng”-anh Tiến cho hay.
Vào các dịp lễ, Tết, UBND xã Ia Yeng đã liên kết với chủ hồ sen quảng bá, trưng bày các sản phẩm của địa phương. Ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-chia sẻ: “Nhờ có hồ sen được đầu tư bài bản, cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, khách du lịch đến đông nên bà con có điều kiện cải thiện thu nhập từ việc bán rượu ghè, cơm lam, gà nướng và các loại trái cây”.
Kết nối du lịch
Phú Thiện là vùng đất giao thoa văn hóa với 16 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Jrai, Bahnar, Thái, Tày, Nùng… Cùng với đẩy mạnh phát triển du lịch, địa phương đã khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm đặc thù phục vụ cho khách du lịch, góp phần bảo tồn văn hóa của từng dân tộc. Là vựa lúa của tỉnh, huyện Phú Thiện còn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.
Du khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng ẩm thực tại lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui tại Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Ảnh: Thủy Bình
Du khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng ẩm thực tại lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui tại Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Ảnh: Thủy Bình
Để du lịch phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, thời gian qua, huyện Phú Thiện đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ. Đồng thời, huyện cũng tập trung kêu gọi đầu tư các dự án quy mô lớn, đảm bảo tính liên kết vùng theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 16-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Phạm Văn Trần Hưng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: “Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, lượng du khách đến Phú Thiện ngày càng tăng. Trong năm 2022, hơn 10.000 lượt người tham quan hồ Ayun Hạ và tham dự lễ cúng cầu mưa; hồ sen Ia Yeng cũng thu hút hơn 4.000 lượt du khách… Phát triển du lịch đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của địa phương, mang lại thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tại cộng đồng dân tộc thiểu số”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm