Khám phá Cồn Chim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi theo đường bộ về thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), rồi thuê thuyền đánh cá dạo quanh vùng sinh thái Cồn Chim nằm phía Bắc đầm Thị Nại, cách TP. Quy Nhơn khoảng 20 km. Đây là vùng ngập mặn tự nhiên rộng khoảng 500 ha, gắn với đầm Thị Nại nên ngư dân vùng đất liền ven đầm hay ở xóm đảo (Cồn Chim) có thể đi thuyền về TP. Quy Nhơn rất thuận tiện.
Thời xa xưa, khi người Việt về định cư nơi vùng sông nước ven đầm, họ chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng và đánh bắt tôm, cá tự nhiên bằng các dụng cụ thô sơ. Theo các cụ cao niên ở vùng Phước Sơn và Gò Bồi thì đầm Thị Nại xưa kia còn có tên Hải Hạc Đàm, có người gọi là Biển Cạn.
Đầm nước mặn này khá rộng, có vị trí quan trọng đối với vùng đất Bình Định và là viên ngọc quý của Quy Nhơn. Con nước của đầm lên xuống theo thủy triều; khi thủy triều xuống nhiều vùng ven đầm Thị Nại biến thành bãi sình lầy rất thích nghi cho các động-thực vật nước mặn sinh sống. Cái tên Hải Hạc Đàm có lẽ có liên quan đến loài chim hạc sinh sống ở vùng đầm này.
Ngày nay, nơi Cồn Chim, vùng sinh thái được địa phương quy hoạch, người ta thường thấy nhiều loại chim di trú, nhưng trong đó nhiều nhất vẫn là loài cò trắng (cò là họ nhà hạc). Cò trắng vùng Cồn Chim lớn hơn loài cò ta thường gặp ở các đồng ruộng miền Trung.
Theo những người cư trú lâu năm ở Cồn Chim, ngày xưa, cò di trú về đây nhiều vô kể. Cứ chiều chiều khi mặt trời khuất núi, các đàn cò từ tứ hướng bay về ngủ đầy trên ngọn cây ở nhà vườn và cây sú, vẹt, đước giữa các cồn bãi. Những năm gần đây, Cồn Chim vẫn là nơi ngụ cư chính của loài “hải hạc” này. Ngoài ra, nơi vùng nước Cồn Chim còn rất giàu có lượng phù du, cung cấp thức ăn tự nhiên cho nhiều loài hải sản nên các loài cá, tôm, cua… nơi này khá dồi dào và ngon hơn ở bất cứ nơi nào.
Bà Dư-một người định cư ở Cồn Chim từ sau năm 1975 đến nay cho biết: Ai đã ăn quen con cá, con tôm vùng nước ở đây rồi thì nghiện vì nó rất thơm ngon, dù chế biến theo cách nào thịt nó vẫn dai, có vị béo ngọt mà khó vùng hải sản nào sánh kịp. Để chứng minh điều mình nói, bà Dư chiêu đãi chúng tôi chả cá măng và cháo hàu được đánh bắt ở Cồn Chim. Quả nhiên, những người sành ăn đồ biển trong số chúng tôi, ai cũng gật đầu khen ngon!
Xóm Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng
Xóm Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng
Còn anh Tâm-người từng sống ở vùng quê Phước Sơn trước đây thì kể cho tôi nghe về cha mình ngày ấy thường đi săn bắt con lịch “khổng lồ” nằm dưới bùn ở vùng đầm lầy xứ này. Loại lịch ấy không phải vùng biển nào cũng có và ai cũng bắt được mà phải là người có kinh nghiệm, tay nghề cao mới lôi chúng ra khỏi vũng sình lầy với những rễ cây đước, bần chằng chịt. Ngày nay, loài lịch này dường như rất hiếm thấy.
Những năm gần đây, tỉnh Bình Định quy hoạch khu sinh thái Cồn Chim để bảo vệ vùng đa dạng sinh học nước mặn và cho phép người dân nuôi trồng các loài thủy sản nơi đây, nhưng không được phá vỡ cảnh quan tự nhiên hoặc làm ô nhiễm môi trường. Nhà nước đầu tư kéo lưới điện và xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho “ốc đảo” Cồn Chim với khoảng hơn 200 hộ dân. Đời sống của người dân Cồn Chim dần dần được cải thiện. Với hàng trăm hồ nuôi trồng thủy sản ở Cồn Chim bên cạnh cánh rừng cây nước mặn tự nhiên đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ ngư dân.
Khu sinh thái trên đầm Thị Nại và Cồn Chim bước đầu thu hút du khách mọi miền. Các doanh nghiệp lữ hành ở TP. Quy Nhơn mua sắm du thuyền nhỏ để cập nhật các tour thưởng ngoạn vùng bán đảo Phương Mai và đầm Thị Nại. Trong đó, du khách rất ưa thích được ngắm hoàng hôn trên đầm nước mênh mông và chiêm ngưỡng đàn chim trời về rừng sú, vẹt… khi bóng chiều buông xuống Cồn Chim.
Hôm ấy, tôi may mắn được người đưa đò vui tính đọc cho nghe mấy vần thơ khuyết danh: “Chiều buông hạc trắng bay về/Cồn Chim biêng biếc dáng quê thanh bình/Cây bần ngạt nước lặng thinh/Tiếng chim bói cá bập bềnh sóng xô”.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm