Khám phá đầm lầy nhiều cá sấu nhất Đông Nam Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bàu Sấu nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là nơi sinh sống của cá sấu nước ngọt - loài cá sấu tưởng như đã tuyệt chủng.

Không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của chốn rừng sâu, Vườn quốc gia Cát Tiên còn hấp dẫn du khách thập phương với cuộc hành trình mạo hiểm nhưng cũng đầy thú vị trên Bàu Sấu, chiêm ngưỡng bầy cá sấu xiêm hay trầm trồ trước những loài kỳ hoa dị thảo.

Bàu Sấu nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là nơi sinh sống của cá sấu nước ngọt (tức cá sấu xiêm) - loài cá sấu tưởng như đã tuyệt chủng trước đây.

 

 

Ở Bàu Sấu, cá sấu có thể hiện diện ở bất cứ đâu, chúng trú ngụ đông đúc trong những đám sình lầy. Đây cũng chính là điều hấp dẫn đông đảo du khách thập phương. Cá sấu nước ngọt có thân hình màu xám, mõm dài như cái kẹp, hàm dưới có nhiều răng dài và nhọn, đuôi cao, to khỏe,…

Đã có thời gian cá sấu nhiều đến nỗi được ví như những ngôi sao trên bầu trời ban đêm. Với khả năng săn mồi chính xác, cá sấu ở vùng này đã lấy đi sự sống của rất nhiều loài động vật, thậm chí cướp đi mạng người và dọa người dân xung quanh sợ khiếp vía. Cũng vì thế, con người bắt đầu thực hiện các cuộc săn bắt vô tội vạ, dẫn đến thực trạng cá sấu nước ngọt bị tuyệt chủng.

 

 

Đến năm 2001, dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên đã phác thảo kế hoạch phục hồi cá sấu nước ngọt. Hiện nay, cá sấu đã phục hồi hoàn toàn các bản năng tự nhiên như săn mồi, ấp trứng….

Nếu muốn mạo hiểm và có những trải nghiệm thật thú vị, du khách có thể chèo thuyền dạo quanh Bàu Sấu, tận mắt thấy một vài chú cá sấu núp ở đây. Ngoài ra, hãy đưa tầm mắt ra xa ngắm khung cảnh yên bình và thơ mộng với những mảng màu xanh ngắt của cỏ cây, núi rừng bạt ngàn, làn sương mỏng bồng bềnh,… tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và quyến rũ.

 

 

Khu vực Bàu Sấu không chỉ là ngôi nhà của cá sấu mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cũng như nhiều vùng đặc hữu khác của Vườn quốc gia Cát Tiên, Bàu Sấu nằm trong diện bảo tồn nên được quản lý và giám sát rất chặt chẽ.

Từ trung tâm hành chính của Vườn quốc gia Cát Tiên, để đến được Bàu Sấu, bạn phải trải qua 9km đường xe và cuốc bộ hơn 5km đường xuyên rừng. Du khách có thể lựa chọn đi trên xe Jeep, đạp xe hoặc đi bộ.

 

 
 

Trên đoạn đường quanh co đó, không ít lần bạn sẽ sững sờ trước vẻ đẹp của rừng nguyên sinh. Vừa tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, vừa kinh ngạc trước trước những bản hòa ca tuyệt diệu của chim chóc, du khách sẽ lưu giữ nhiều dấu ấn khó quên.
 

 

Thi thoảng, một vài “vị khách” sẽ bất ngờ xuất hiện, khi là chú nai nhỏ lướt ngang, khi là con công với bộ đuôi xòe rộng khoe sắc hoặc vài cặp khỉ leo trèo trên các cành cây. Chưa kể vào đó là hàng loạt các loại cây lạ, hoa thơm trải dọc lối đi.
 

 

Nhiều người đặc biệt yêu thích cây tùng hơn 500 tuổi trên đường đi đến Bàu Sấu. Bộ rễ to nổi lên trên mặt đất kéo dài hàng chục mét, thân cây đồ sộ đến 15 người ôm không xuể, tán lá khổng lồ của cây rợp bóng mát che chở cho những cây con bên dưới. Cây tùng giống như vị già làng bảo vệ cho cả khu rừng.
 

 
 

Du khách cũng sẽ mãn nhãn khi bắt gặp cây si có bộ rễ to chia thành nhiều nhánh mọc giữa dòng suối trong veo chảy róc rách, cây bằng lăng 1 thân 6 ngọn vút thẳng lên trời, cây gõ bác đồng quý hiếm với đường kính thân cây hơn 2 mét, lá cây trung quân không cháy được dùng lợp nhà trong thời kháng chiến... Cây cầu gỗ trên đường đi cũng được coi là điểm check-in rất tuyệt vời.
 

 

Đặc biệt vào mùa hạ, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên sẽ càng trở nên rực rỡ hơn với hàng trăm loài bướm hội tụ. Mùa bướm làm cánh rừng già trở nên sống động và lãng mạn không khác gì cảnh phim thần thoại.

Theo VTV

Có thể bạn quan tâm