Khám phá ngôi chùa Khmer với tượng Phật nằm khổng lồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khuôn viên chùa Som Rong ở Sóc Trăng có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu ở ngoài trời với kích thước dài 63m, cao 22,5m, đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất.

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất tại Việt Nam trong khuôn viên chùa Som Rong. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất tại Việt Nam trong khuôn viên chùa Som Rong. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Sóc Trăng là mảnh đất an lành với sự cộng cư, giao hòa, gắn kết lâu đời của ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa. Điều đó đã tạo nên cho Sóc Trăng mang bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc luôn được gìn giữ, phát huy.
Nơi đây cũng đã trở thành những điểm đến tâm linh tiêu biểu, thu hút đông đảo phật tử, du khách đến chiêm bái và khám phá nét văn hóa, nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Rảo bước trong nội ô thành phố Sóc Trăng, du khách không khó để tìm thấy ngôi chùa Khmer cổ và nổi tiếng như chùa Kh’leang, chùa Mahatúp, chùa Trà Tim… Trong đó, Bôtum Vong Sa Som Rong (chùa Som Rong) là một trong những ngôi chùa không kém phần độc đáo về lịch sử và kiến trúc.
Theo các vị sư kể lại, chùa Som Rong được xây dựng năm 1785, đã trải qua 12 đời trụ trì. Khi mới bắt đầu xây dựng, chùa sử dụng vật liệu bằng tre lá tạm bợ, sau nhiều lần trùng tu đã khang trang như hiện nay.
Về cái tên Som Rong thì do nguyên nhân trước đây vùng này có rất nhiều cây dại mang tên Som Rong mọc quanh chùa, từ đó chùa có tên loại cây này hàng trăm năm qua. Hiện nay chùa chỉ còn 2 cây Som Rong đang phát triển rất tốt.
Chùa Som Rong được xây dựng theo kiểu kiến trúc giống như các chùa Khmer Nam bộ khác với diện tích 5ha bao gồm: chánh điện, sala, nhà dành cho sư sãi, và còn có thêm một thư viện sách có hơn 1.500 quyển, phục vụ cho các em học sinh, người dân và bà con Phật tử tại địa phương.
Lối từ cổng vào chùa được phủ đầy bóng mát của cây sao (cây cao, thân to đến hơn 01 vòng tay), những khối kiến trúc kỳ vĩ, với nhiều màu sắc sặc sỡ mang đậm văn hóa truyền thống Khmer hiện ra. Cổng chùa được trang trí hoa văn với nhiều biểu tượng văn hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud, hoa văn truyền thống… được phủ nhũ vàng.
Phía trên cổng có 5 ngọn tháp, là biểu tượng của núi Meru, nơi năm vị Phật ở vị lai sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi năm vị thần thường an ngự theo học thuyết Bàlamôn giáo.
Chánh điện là nơi thờ Phật chính trong những công trình kiến trúc của chùa.

Chánh điện chùa Som Rong. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Chánh điện chùa Som Rong. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Toàn bộ chánh điện được nâng đỡ bởi 6 hàng trụ cột, với tầng mái được kết cấu khá đặc biệt gồm 03 hệ thống mái chồng lên nhau theo một khoảng cách nhất định. Ở mỗi gốc của tầng mái được trang trí hình tượng rồng của đồng bào Khmer. Phần mái tiếp giáp với cột được trang trí hình tượng nữ thần Keynor và chim thần Krud, góp phần tạo nên sự chắc chắn, khỏe khoắn cho các bộ cột chống đỡ phần mái đồ sộ, vừa góp phần làm tăng vẻ đẹp và sự uy nghi cho công trình.
Hai bên lối vào chánh điện là hình tượng Kỳ Lân với nét hung tợn, đứng canh giữ cửa nhằm ngăn cái ác và bảo vệ Đức Phật. Trên những vách tường và trần của chánh điện là những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Bệ thờ trong chánh điện thờ nhiều tượng Đức Phật Thích Ca, trong đó có hai tượng Phật Thích Ca cổ được chế tác bằng gỗ vào đúng năm thành lập chùa. Hai tượng Phật này trong tư thế đứng, với cánh tay đưa thẳng về phía trước, lòng bàn tay có chỉ tay màu đỏ hướng về phía trước, có ý nghĩa nhắc nhở con người đừng làm việc ác, nên tích phúc, đức bằng cách làm điều thiện.
Đặc biệt trong khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu ở ngoài trời với kích thước dài 63m, cao 22,5m, đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất. Chính vì thế, ngôi chùa này còn có tên gọi khác là chùa Phật nằm Sóc Trăng.
Trong chùa còn có ngôi bảo tháp được khởi công năm 2010, đến năm 2012 thì hoàn thành. Bảo tháp được xây dựng trên diện tích 100m2, chiều rộng 11m, cao khoảng 25m. Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được trạm khắc rất tinh tế, sắc sảo.
Nét độc đáo ở ngôi tháp chính là màu sơn, thay vì màu vàng truyền thống thì tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối.
Công trình kiến trúc bảo tháp đã trở thành một trong những điểm nhấn độc đáo của chùa Som Rong so với những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi lối kiến trúc và quy mô.
Những công trình kiến trúc bên trong chùa được kết hợp hài hòa, tạo sự liên kết chặt chẽ phát huy bản chất vốn có của nơi mà đời sống phật tử như hòa hợp, gắn kết, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh tín ngưỡng của dân tộc. Đồng thời, chùa Som Rong cũng là nơi để du khách gần xa tìm đến khám phá, trải nghiệm những tinh hoa văn hóa tín ngưỡng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung.
Theo Vietnam+
 

Có thể bạn quan tâm