Xã hội

Gia đình

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: “Chìa khóa” nâng cao chất lượng dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay.

Theo đó, Tháng hành động tập trung đẩy mạnh truyền thông đến giới trẻ những thông tin cần thiết trước khi kết hôn nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bà Nguyễn Thị Giang-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Sê) cho biết: Để thay đổi nhận thức của giới trẻ về khám sức khỏe trước khi kết hôn, thời gian qua, Phòng đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông tại các thôn, làng trên địa bàn huyện.

Riêng năm 2023, đơn vị đã truyền thông được 83 buổi với hơn 4.000 lượt người tham gia. Qua các buổi truyền thông, nhiều thanh niên đã dần thay đổi nhận thức về khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Ông Vương Nhật (thứ 2 từ trái sang)-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh trao đổi với cán bộ dân số về công tác tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ảnh: Đ.Y

Ngày 10-12 vừa qua, xã Hbông (huyện Chư Sê) đã tổ chức buổi truyền thông về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại làng Kueng Xí Nghiệp.

Theo bà Võ Thị Thu Hà-viên chức dân số xã, những buổi truyền thông trực tiếp tại các thôn, làng như thế này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của thanh niên về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Anh Rmah Rôn (SN 1998, làng Kueng Xí Nghiệp) cho hay: “Tôi dự định kết hôn vào đầu năm 2024 nên đến đây nghe tư vấn. Qua buổi tư vấn, tôi thấy việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất cần thiết. Tôi sẽ vận động bạn gái đi khám sức khỏe và nghe tư vấn để có thêm kiến thức cho cuộc sống gia đình sau này”.

Tương tự, những năm qua, Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 7 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền trong lứa tuổi thanh niên và học sinh về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số-cho hay: Năm 2023, Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 63 buổi tuyên truyền với hơn 3.000 lượt người tham gia.

Qua theo dõi, số người tham gia tư vấn năm 2023 tăng hơn so với năm 2022. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng ý thức và tự nguyện hơn trong việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Ông Vương Nhật-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-thông tin: Theo báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm, Việt Nam có 22-30 ngàn trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân, hàng năm, Chi cục đã triển khai hiệu quả các mô hình, đề án về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên, thanh niên, giúp các em được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện.

Điển hình là việc thành lập các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” để tư vấn, hướng dẫn, cung cấp kiến thức liên quan đến hôn nhân, gia đình, các biện pháp tình dục an toàn, phòng tránh thai.

Nhờ đó, năm 2023, toàn tỉnh thành lập được 13 câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; 17 phòng dân số thuộc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 177 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề với hơn 12.000 lượt người tham gia; có 226 cặp nam, nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn.

“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các phòng dân số xây dựng kế hoạch tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn ngay từ đầu năm. Đặc biệt, đổi mới hình thức, loại hình truyền thông để tạo sự thu hút, hấp dẫn đối với giới trẻ.

Có thể bạn quan tâm